Giáp xe tăng T-14 Armata có thực sự bất khả chiến bại

Google News

Các chuyên gia Nga tuyên bố giáp xe tăng T-14 Armata là không thể bị xuyên thủng. Liệu điều này có đúng hay chỉ là “chém gió”?

Mới đây, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Thép (NIIS) thuộc hãng Traktornye Zavod (Nga) đưa ra tuyên bố, xe tăng T-14 Armata có bộ giáp “không thể bị xuyên thủng” bởi mọi loại đạn pháo tăng, đạn chống tăng vác vai các cỡ hiện nay. Xuất hiện lần đầu tiên trong lễ duyệt binh Ngày chiến thắng 9/5/2015, Armata thực sự gây ấn tượng mạnh bởi thiết kế và hàm lượng công nghệ ẩn chứa trong nó, nhưng thực tế dòng xe tăng này có thực sự có bộ giáp“bất khả chiến bại” hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Giap xe tang T-14 Armata co thuc su bat kha chien bai
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata.
Giáp xe tăng liệu có khó bị xuyên thủng?
Xuất hiện ban đầu với vai trò là “ông vua lục quân”, xe tăng thực sự mang lại nỗi khiếp đảm đối với các đơn vị đối phương trên bộ. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu, ngay sau khi xe tăng xuất hiện trong Thế chiến thứ nhất, người lính đã phát hiện ra xe tăng có những điểm yếu chết người. Kết cấu giáp xe tăng không có độ dày đồng nhất để tối ưu trọng lượng của xe. Thông thường, mặt trước của thân xe và tháp pháo là nơi được gia cố giáp tốt nhất với mục đích đối đầu xe tăng đối phương, trong khi giáp ở bên hông và phía sau xe thường mỏng và dễ bị xuyên thủng hơn.
Điều này được thể hiện rõ trong Thế chiến thứ 2, xe tăng Panther, Tiger của Đức có giáp trước rất tốt, khó có loại pháo chống tăng nào của Hồng quân có thể xuyên thủng. Tuy nhiên, giáp bên của xe mỏng và yếu hơn nhiều. Phát hiện điều này, các đơn vị pháo chống tăng và xe tăng Hồng quân luôn cố gắng tiếp cận xe tăng Đức ở gần nhất có thể và bắn mục tiêu ở nhiều góc độ khác nhau để tiêu diệt.
Chưa kể, xe tăng là tập hợp các kết cấu cơ khí chính xác, khi bị trúng đạn, dù vẫn có thể hoạt động, nhưng sức chiến đấu của xe tăng không thể còn 100% như ban đầu.
Tới thời điểm hiện tại, với sự ra đời của nhiều loại vũ khí chống tăng tân tiến như: Đạn chống tăng dùng thanh xuyên, đạn chống tăng dùng hiệu ứng nổ lõm (xuyên phá hóa năng), công nghệ giáp tăng có vẻ như “hụt hơi” trước sự phát triển quá nhanh của các loại đạn chống tăng.
Điểm yếu chí tử của mọi loại xe tăng từ xưa tới nay là toàn bộ kíp lái, pháo và đạn đều nằm chung khoang, dù một số dòng xe tăng có khoang đặc biệt để chứa đạn, nhưng hiệu quả bảo vệ cũng không đáng kể. Trong tác chiến, toàn bộ kíp lái đều ngồi cạnh “thùng thuốc súng” là cơ số đạn xe mang theo có thể phát nổ bất kỳ lúc nào khi xe trúng đạn.
Thực tế chiến trường đã chứng minh, kíp lái xe tăng thiệt mạng chủ yếu không phải do đạn đối phương xuyên thủng giáp trực tiếp, mà là do “hiệu ứng” khi đạn xuyên thủng giáp gây nổ toàn bộ đạn mang trong xe. Đối với đạn thanh xuyên dưới cỡ, khi xuyên thủng giáp, nó sẽ phá vỡ kết cấu của xe và tạo ra các tia lửa có thể gây cháy nổ đạn trong xe ngay tức thì. Điều này cũng tương tự như khi xe bị trúng đạn chống tăng nổ lõm, hiệu ứng nhiệt áp của đầu đạn có thể “nướng chín” thành viên kíp lái và kích nổ đạn trong xe.
Vậy giải pháp của Armata là gì?
Điều minh chứng lớn nhất khi các chuyên gia NIIS tuyên bố Armata có bộ giáp bất khả chiến bại là nhờ kết cấu ưu việt của xe tăng Nga thế hệ mới. Toàn bộ kíp lái của tăng T-14 Armata được ngồi trong một khoang bọc thép kín, tách rời với khoang động cơ và khoang đạn trên xe.
Giap xe tang T-14 Armata co thuc su bat kha chien bai-Hinh-2
 Armata được trang bị bộ giáp "khủng" nhưng thực sự nó có thể sống sót 100% trong mọi cuộc chiến hay không là điều khó trả lời?
Với kết cấu này, kíp lái có khả năng sống sót rất cao kể cả trong trường hợp xe bị trúng đạn xuyên thủng giáp. Với kết cấu mới, trong trường hợp xấu nhất là nổ khoang đạn và động cơ, nhưng do nằm trong khoang kín riêng biệt, kíp lái vẫn có cơ hội sống sót rất cao. Đây chỉ là kịch bản xấu nhất, còn việc xuyên thủng được giáp xe tăng Armata vốn kế thừa nhiều công nghệ vật liệu, hệ thống bảo vệ chủ động của xe tăng Nga, là điều không dễ dàng.
Trong một thử nghiệm khả năng chống đạn của xe tăng T-90, chuyên gia Nga đã dùng các loại vũ khí chống tăng mạnh nhất hiện nay bắn thẳng vào giáp trước của xe, thì hiệu quả xuyên phá cũng chỉ đạt 25%. Kết quả này chưa tính tới điều kiện hệ thống phòng thủ chủ động trên xe tăng được kích hoạt. Hiệu quả tiêu diệt chắc chắn còn bị giảm thấp nữa nếu điều này được áp dụng. Đối với đạn thanh xuyên, chuyên gia Nga có thể khẳng định, ở khoảng cách tới 2km, không loại đạn thanh xuyên nào trên thế giới có thể xuyên thủng được giáp xe tăng Nga ở mặt chính diện. Đó mới chỉ là kết quả trên xe tăng T-90 phát triển từ những năm 1990, còn Armata thế hệ mới, kết quả phần nhiều sẽ tốt hơn.
Ngoài thiết kế, Armata cũng được trang bị giáp composite, giáp phản ứng nổ (ERA) Relic thế hệ mới nhất và hệ thống phòng ngự chủ động Afghanit. Sự kết hợp này mang lại cho Armata có khả năng sống sót cao nhất so các dòng xe tăng hiện đại. Chuyên gia phương Tây sau khi xem xét xe tăng Armata cũng đưa ra nhận định tương tự.
Từ những nhận định trên, có thể nói Armata là xe tăng có khả năng bảo vệ và sống sót cao nhất trước mọi loại vũ khí chống tăng hiện đại. Tuy nhiên, có “bất khả chiến bại” hay không vẫn cần những thử nghiệm thực chiến hoặc kết quả tác chiến thực sự trên chiến trường.
Theo báo Quân đội Nhân dân

Bình luận(0)