Trong trang bị của Không quân nhân dân Việt Nam ngày nay, các thế hệ máy bay Su-22 đang giữ vai trò xương sống, đảm đương tất cả các nhiệm vụ từ cường kích tấn công mặt đất như thiết kế ban đầu đến trách nhiệm nặng nề hơn là tấn công mặt biển và thậm chí còn phải làm thêm cả vai trò tiêm kích đánh chặn thay thế cho MiG-21 đang dần bị loại khỏi biên chế.
Su-22 đang phải gánh vác những trọng trách rất lớn lao, có thể nói là quá sức trên đôi cánh già nua của mình. Su-22 nguyên bản là cường kích tấn công mặt đất với vũ khí chính là bom và tên lửa dẫn đường bằng laser hay truyền hình, mũi máy bay không được trang bị radar mà chỉ có hệ thống ngắm bắn Klen-PS ở Su-22M3 hay Klen-54 ở Su-22M4. Do đó máy bay không mang được các loại tên lửa chống hạm dẫn đường bằng radar nên chỉ có thể tấn công các mục tiêu trên biển là tàu chiến có hệ thống phòng không tầm ngắn hoặc cực ngắn. Đây là điểm hạn chế rất lớn trong tác chiến hải quân hiện đại.
|
Hệ thống Klen-54 trên Su-22M4.
|
Đối với nhiệm vụ tiêm kích phòng không thay thế tạm thời cho MiG-21, việc không được trang bị radar cũng không phải là điểm yếu lớn vì radar của MiG-21 có tầm trinh sát quá ngắn gần như phải dựa hoàn toàn vào dẫn đường từ mặt đất. Tuy nhiên, khả năng không chiến trong tầm nhìn của MiG-21 vẫn được đánh giá cao hơn vì kết cấu cánh cụp cánh xòe khiến Su-22 rất khó thực hiện các thao tác bay phức tạp - điều kiện sống còn trong không chiến tầm ngắn.
Để có thể đảm đương những nhiệm vụ mới, các máy bay Su-22M/M3/M4 đòi hỏi phải trải qua một quá trình nâng cấp toàn diện. Trong các gói nâng cấp thì cấu hình Su-22M5 - dự án liên doanh giữa Sukhoi và Sextant Avionique của Pháp là toàn diện nhất, đưa những chiếc cường kích đánh đất già nua Su-22 lên một tầm cao mới.
Các hạng mục nâng cấp bao gồm:
- Phục hồi gia cố lại khung sườn, kéo dài thời gian phục vụ của máy bay thêm 20 năm.
- Thay cánh cụp cánh xòe cũ bằng cánh mới được gắn cố định ở góc 45 độ. Điều này có lẽ đến từ các tiến bộ về điều khiển, có thể khiến một máy bay cánh cố định vẫn có thể có quãng đường cất/hạ cánh tốt hơn máy bay cánh cụp cánh xòe. Đó là chưa kể cánh cố định sẽ giúp máy bay nhẹ hơn, chứa được nhiều nhiên liệu hơn cũng như có thể bố trí thêm các mấu cứng treo vũ khí/thùng dầu phụ.
|
Hệ thống radar Phathom.
|
- Hệ thống Klen-PS/54 trên chóp mũi được thay thế bằng radar đa năng Phathom, sản phẩm liên doanh giữa Phazatron và Thomson-CSF tương tự như radar Super Kopyo gắn trên MiG-21-93, có thể phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar RCS 5m2 từ khoảng cách 75km, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tiến công đồng thời 2 mục tiêu.
- Trang bị máy tính trung tâm và hệ thống truyền dữ liệu MIL-STD-1553, hệ thống dẫn hướng-tấn công PrNK-5.
- Buồng lái mới kiểu nhà kính cùng màn hình hiển thị trên mũ phi công Cobra HMD (Cobra Helmet-mounted displays).
|
Mũ bay phi công tích hợp màn hình hiển thị Cobra.
|
- Trang bị hệ thống đo xa laser/tìm kiếm các mục tiêu được đánh dấu laser Thomson-CSF TMV 630. Mặc dù đề án không nói rõ sẽ gắn ở đâu nhưng có thể nó được gắn tương tự như Mirage-F1 phiên bản tấn công mặt đất vốn cũng được trang bị hệ thống Thomson-CSF TMV 630 ở dưới mũi.
|
Hệ thống ngắm bắn Thomson-CSF TMV 630 trên Mirage F1.
|
- Hoặc máy bay có thể lựa chọn mang thiết bị gắn ngoài (pod) tìm kiếm mục tiêu và dẫn bắn cho các vũ khí dẫn đường laservà hồng ngoại trong điều kiện ban ngày/ban đêm.
- Máy bay còn được trang bị radar đo cao Thomson-CSF AHV6, thiết bị cảnh báo bị radar khóa Sherloc, thiết bị gây nhiễu điện tử gắn ngoài Barax, hệ thống dẫn hướng chiến thuật NC12 và thiết bị định vị toàn cầu NSS100-P cùng hệ thống thông tin liên lạc radio hai bước sóng VHF/UHF ERA 2000, hệ thống liên lạc-chỉ dẫn hạ cánh NR 810A.
|
Su-22 của Peru được trang bị cần tiếp dầu trên không.
|
- Nếu khách hàng yêu cầu, Su-22M5 cũng sẽ được gắn thêm một cần tiếp dầu trên không và hệ thống điều khiển HOTAS cũng như thay đổi các thiết bị điện tử khác.
Kết quả của một quá trình nâng cấp tốn kém, Su-22M5 đã trở thành một máy bay chiến đấu đa năng có thể đảm đương tất cả các nhiệm vụ từ tiêm kích đánh chặn cho tới tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển.
|
Sau nâng cấp, trong tác chiến đối không, Su-22M5 trang bị tên lửa không đối không thế hệ mới như R-73, R-27ET/ER.
|
|
Su-22 trong tác chiến đấu đất/đối hải có khả năng mang được tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A.
|
Tuy nhiên, tương ứng với việc nâng cao khả năng chiến đấu của máy bay, gói nâng cấp này có giá ước tính lên tới 5 triệu USD - một cái giá rất cao so với 3 triệu USD của những chiếc Su-22 được mua lại từ Đông Âu trong tình trạng rất tốt kèm cả phụ tùng. Đây thực sự là một bài toán khó cần cân nhắc thật kỹ lưỡng và trong tương lai gần có lẽ những chiếc Su-22M/M3/M4 của Không quân nhân dân Việt Nam vẫn phải gồng mình lên đảm đương những nhiệm vụ quá sức.