“Sát thủ diệt mắt thần” đầu tiên của Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Không quân Nhân dân Việt Nam được trang bị tên lửa chống radar đầu tiên từ những năm 1980, mang phóng từ "đôi cánh ma thuật" Su-22M3.

Trong trang bị vũ khí chống radar của Không quân Nhân dân Việt Nam, chúng ta thường biết đến nhiều nhất là loại Kh-31P trang bị trên tiêm kích đa năng Su-30MK2. Tuy nhiên, Việt Nam đã sở hữu tên lửa chống radar ngay từ những năm 1980.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI), giai đoạn 1983-1984, Việt Nam nhận được 100 quả đạn tên lửa chống radar Kh-28 từ Liên Xô. Số tên lửa này vào cùng với các máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22M3. Đây là loại chiến đấu cơ hiện đại nhất không quân ta vào thời điểm bấy giờ.
Cán bộ kỹ thuật không quân di chuyển quả đạn Kh-28 chuẩn bị lắp cho "đôi cánh ma thuật" Su-22.

Tên lửa chống radar Kh-28 (NATO định danh AS-9 Kyle) do Phòng thiết kế MKB Raduga (Liên Xô) phát triển. Tên lửa hoàn tất công đoạn phát triển vào năm 1967, diễn ra không lâu sau khi Mỹ tiến hành các phi vụ Wild Weasel (Chồn hoang) nhằm tiêu diệt các trạm radar cảnh giới của phòng không miền Bắc Việt Nam.

Sự phát triển của Kh-28 gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật, đặc biệt là đầu tự dẫn radar thụ động của tên lửa chỉ hoạt động được trên một vài tần số nhất định. Radar thụ động PRG-28 trang bị cho Kh-28 chỉ có thể bám theo cánh sóng của các trạm radar của tên lửa phòng không MIM-14 Nike-Hercules và English Electric Thunderbird (Mỹ và phương Tây).

Biến thể nâng cấp về sau có thể bám theo cánh sóng  radar của hệ thống phòng không MIM-23 Hawk, radar cảnh giới AN/MPQ-39 và radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-34, AN/MPQ-33 đều của Mỹ. Tên lửa được chấp nhận đưa vào sử dụng từ những năm 1970.

Kh-28 có thân hình khá đồ sộ với chiều dài 5,9m, đường kính thân 0,43m, sải cánh 1,93m, trọng lượng phóng 716kg, lắp đầu đạn nặng 140kg. Tên lửa có 2 cánh tam giác ở giữa thân, 2 cánh ổn định ở phía đuôi cùng một cánh đuôi đứng.

Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn với tốc độ tối đa gấp 3 lần tốc độ âm thanh (khoảng 3.500km/h). Kh-28 đạt tầm bắn lên đến 110km, tối đa có thể lên đến 120km.

Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính và radar thụ động pha cuối. Kh-28 kết hợp tốc độ nhanh cùng đầu đạn cở lớn cho dù tên lửa không đâm trúng trạm radar, nhưng với sức nổ từ đầu đạn 140kg đủ sức thổi bay bất kỳ trạm radar nào.
Như vậy, sức mạnh của Su-22 Việt Nam ngoài khả năng chống tàu 10.000 tấn còn có thể tấn công đài radar của đối phương.

Do tên lửa có kích thước khá lớn nên mỗi chiếc Su-22M3 chỉ có thể mang theo một tên lửa Kh-28 ở giá treo trên thân. Tên lửa nhắm mục tiêu thông qua hệ thống Filin cài đặt sẵn trên máy bay, về sau tên lửa được thay thế bằng hệ thống nhắm mục tiêu Vyuga gắn ngoài.

Kh-28 không thực sự là một mẫu tên lửa chống radar thành công, hệ thống dẫn đường của tên lửa tồn tại khá nhiều nhược điểm và độ chính xác không cao. Mặt khác, đầu tự dẫn radar thụ động của tên lửa chỉ bám theo được cánh sóng của một số đài radar nhất định, do đó tên lửa gặp phải khó khăn khi đối phó với các trạm radar có khả năng nhảy tần số.

Ngoài ra, việc tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng nên khả năng sẵn sàng chiến đấu không cao (tên lửa được bảo quản ở trạng thái không có nhiên liệu). Tên lửa được nạp nhiên liệu trước khi làm nhiệm vụ điều này đòi hỏi phải có sân bay với các thiết bị nạp nhiên liệu chuyên dụng, khó khăn khi hoạt động ở các sân bay dã chiến.

Tuy có nhiều nhược điểm trong hệ thống dẫn đường, nhưng nếu được nâng cấp trang bị đầu tự dẫn radar thụ động mới tiên tiến hơn thì Kh-28 vẫn là “sát thủ diệt mắt thần” rất lợi hại.

Mỗi khi Kh-28 xung trận vẫn tạo được sự hoang mang trong tâm lý của các đài radar cảnh giới đối phương, với tầm bắn 120km Kh-28 có thể tác chiến bên ngoài tầm với của các hệ thống phòng không hiện đại.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Bình Đức

Bình luận(0)