Giải mã tên lửa đạn đạo mạnh nhất lịch sử (1)

Google News

(Kiến Thức) - Với tầm bắn 17.000km, mang được 15 đầu đạn, RS-28 Sarmat được xem là mẫu tên lửa đạn đạo mạnh nhất trong lịch sử thế giới. 

Cục Thiết kế Tên lửa Makeyev mới đây đã công bố hình ảnh đầu tiên của mẫu tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat (NATO định danh là SS-X-30). Đây được coi là phiên bản thay thế cho tên lửa đạn đạo hạng nặng R-36M2 Voyevoda mà NATO gọi là SS-18 Quỷ Satan. Theo nguồn tin của TASS, tên lửa SS-X-30 sẽ được chính thức được triển khai vào cuối năm 2018.
Trước khi đi vào biên chế, từ nay đến cuối năm, SS-X-30 dự kiến trải qua nhiều bài thử nghiệm. Trong khi đó, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên đối với mẫu tên lửa này sẽ được thực hiện sớm nhất là cuối quý I năm 2017.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các thông số cụ thể liên quan tới mẫu tên lửa này vẫn là bí mật quốc gia. Vì thế khi bàn tới các tính năng của nó chúng ta vẫn chỉ có thể dựa trên những thông tin cơ bản có được từ những nguồn công khai và quan điểm của những chuyên gia quân sự.
Giai ma ten lua dan dao manh nhat lich su (1)
 Hình ảnh đầu tiên về RS-28 Sarmat. Nguồn ảnh: Sputnik
Bài phân tích dưới đây của hãng tin TASS sẽ cùng độc giả tìm hiểu một trong những bất ngờ lớn nhất của tổ hợp công nghiệp - quốc phòng Nga mà trong thời đại hiện nay vẫn còn là một ẩn số với thế giới.
“Kẻ kế vị” xứng đáng của “Quỷ Satan”
RS-28 Sarmat là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng (ICBM) do Cục Thiết kế Tên lửa Makeyev phát triển. Ước tính, tên lửa này sẽ có trọng lượng khi phóng là 100 tấn, bao gồm cả tải trọng là 10 tấn. Nó được xem là bản thay thế cho dòng tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới hiện nay là Voyevoda. Được biết, tên lửa Voyevoda (hay SS-18 Satan theo cách gọi của NATO) có trọng lượng là 211 tấn, bao gồm cả tải trọng đi kèm là 8,8 tấn.
"Liên Xô (cũ) từng sở hữu 308 tên lửa đạn đạo SS-18 Satan. Nhà sản xuất loại tên lửa này là Yuzhmash có trụ sở tại thành phố Dnepropetrovsk, Ukraine. Một phần nguyên nhân Liên Xô và Mỹ - hai nước có vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới - đã ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1) là bởi Washington bị ấn tượng mạnh trước sức mạnh của tên lửa này, đặc biệt là khả năng mang được 10 đầu đạn hạt nhân có thể nhắm mục tiêu độc lập và mỗi đầu đạn của tên lửa có sức mạnh lênh tới 750 kiloton", Victor Litovkin, chuyên gia quân sự của hãng thông tấn TASS cho biết.
Giai ma ten lua dan dao manh nhat lich su (1)-Hinh-2
 Tên lửa liên lục địa R-36M2 "Satan". Nguồn ảnh: Sputnik
Sau khi Liên Xô tan rã, nhà máy ở Dnepropetrovsk đã ngừng sản xuất tên lửa SS-18. Theo điều khoản của hiệp ước START-1, Nga đã giảm số lượng tên lửa loại này xuống chỉ còn 154 quả. Số tên lửa vẫn đang làm nhiệm vụ đã được rút khỏi biên chế sau khi hết hạn sử dụng.
Theo các nguồn tin công khai, hiện vẫn còn khoảng 46 hầm phóng của dòng tên lửa này vẫn còn hoạt động. Và những tên lửa SS-X-30 sẽ tận dụng cơ sở vật chất này sau khi các hầm phóng được nâng cấp.
Tàng hình trước mọi lớp bảo vệ
Trái ngược với “đàn anh SS-18”, tên lửa RS-28 không chỉ có trọng lượng khi phóng đi nhỏ hơn mà còn có tầm bắn xa hơn rất nhiều.
"Nếu tầm bắn của R-36M2 là 11.000km thì RS-28 có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 17.000 km. Thậm chí thiết kế của nó được hứa hẹn là có khả năng tiếp cận mục tiêu theo đường bay qua Nam Cực, nơi mà đối thủ ít ngờ tới nhất và cũng là nơi không có bất kỳ lá chắn tên lửa nào được thiết lập", Victor Litovkin cho biết.
Mỗi quả RS-28 không chỉ mang được 10 đầu đạn hạt nhân mà thậm chí là 15 đầu đạn loại này. Chúng được lắp đạt ở phần đầu của tên lửa. Đây là những đầu đạn có khả năng nhắm mục tiêu độc lập với sức công phá của mỗi đầu đạn là 150-300 kiloton. Nơi bố trí những đầu đạn này được thiết kế thông minh theo cụm như chùm nho nhưng vẫn còn khả năng tách ra khỏi chùm từng đầu đạn một khi chương trình nạp đạn yêu cầu tấn công các mục tiêu đã định.
"Những đầu đạn này có khả năng bay thẳng tới mục tiêu với tốc độ siêu thanh Mach 17 (20.000 km/giờ). Đáng chú ý là quỹ đạo và hướng của đường bay có thể thay đổi bất cứ lúc nào, khiến nó gần như vô hình với bất kỳ hệ thống phòng thử tên lửa nào, cả những lá chắn hiện tại và lá chắn của tương lai, được dựa trên các thông số định vị ngoài không gian. Đối với các tên lửa RS-28, sẽ không có sự khác biệt giữa việc triển khai hay không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Bởi nó vẫn dễ dàng lách qua lá chắn này mà không gây động tĩnh gì", các chuyên gia về tên lửa cho biết.
Giai ma ten lua dan dao manh nhat lich su (1)-Hinh-3
 Sức mạnh của RS-28 vượt xa mọi loại tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện nay trên thế giới như Minuteman III, DF-41, Trident D5....
Truyền thông đại chúng đã từng nhắc đến thiết bị bay bội siêu thanh Yu-71. Độ chính xác của thiết bị này được cho là mạnh gấp 100 lần so với đầu đạn hạt nhân của R-36M2.
"Khi được trang bị cho tên lửa đạn đạo RS-28 với đầu đạn động năng, nó sẽ có khả năng phá hủy các mục tiêu chiến lược của đối phương bằng tác động cơ học mà không gây ra một vụ nổ hạt nhân. Và khi đó, sử dụng đầu đạn hạt nhân năng suất thấp là một sự thay thế khác nữa", Victor Litovkin tiết lộ.
Mỗi đầu đạn hạt nhân của R-36M2 có trang bị công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) cùng sức công phá là 750 kiloton và bán kính lệch mục tiêu (CEP) là không quá quan trọng bởi vụ nổ sẽ xóa sạch mọi thứ trên mặt đất trong phạm vi vài chục km. Trong khi đó, độ chính xác cao của các đầu đạn hạt nhân trạng bị cho RS-28 Sarmat lại thu hẹp CEP tốt hơn vì thế sẽ không cần quá chú trọng nâng cao sức công phá mạnh của đầu đạn hạt nhân như người tiền nhiệm.
Chuyên gia quân sự Victor Litovkin tin rằng mỗi vụ nổ có sức công phá từ 150-300 kiloton là để để ứng phó với mọi nhiệm vụ. Việc hạ thấp sản lượng và tăng cường công nghệ MIRV thì sẽ có thêm nhiều đầu đạn được trang bị ở phần đầu tên lửa mới.
Hải Anh

Bình luận(0)