Trong các trận đánh, quân Tây Sơn thường sử dụng đội voi chiến dẫn đầu đánh mở đường cho quân lính tiến lên. Những lợi khí như hỏa hổ, đại bác với voi biến tượng binh thành lực lượng lượng xung kích lợi hại nhất, rồi tượng binh với kỵ binh, bộ binh… một loạt các sự kết hợp hoàn hảo ở nhiều mức độ khác nhau lấy voi chiến làm trung tâm mang lại hiệu quả cao cho quân Tây Sơn trong chiến đấu.
|
Sức mạnh áp đảo của tượng binh. Tranh minh họa nước ngoài |
Khi Nguyễn Huệ mang quân đánh thành Phú Xuân, nghe tin có đội tượng binh Tây Sơn tiên phong, tướng sĩ Đàng Ngoài đang giữ ở đồn Các Doanh và Đồng Hới đều sợ hãi bỏ chạy. Chỉ trong mấy ngày, toàn bộ đất Thuận Hóa đã về tay quân Tây Sơn.
Theo Tạp chí Lịch sử Quân sự số ra 8/12: "Trong 5 đạo quân Tây Sơn từ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu 1789 thì có tới 3 đạo quân sử dụng kết hợp tượng binh và kỵ binh, trên mỗi hướng tấn công đều có hàng trăm voi chiến tham gia".
Tên cáo già Tôn Sĩ Nghị khi được Càn Long phong chức Chinh Man Đại Tướng Quân (Man trong Nam Man, ý chỉ dân phương nam man rợ chưa khai hóa) cũng đã lường đến uy lực từ những vũ khí đặc biệt của quân Tây Sơn nên trước khi dẫn hơn 29 vạn quân lính và dân phu ồ ạt tiến vào nước Nam (chưa kể 2 vạn quân “cần vương” của bù nhìn Lê Chiêu Thống), hắn đã ra một quân luật 8 điều, ra lệnh cho tất cả nghiêm cẩn tuân theo. Trong 8 điều quân luật, có hai điều 4 và 5 dành riêng để nhắc cách đối phó với voi chiến và hỏa hổ.
Trích điều 4 theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái: Người Nam đánh trận, hay dùng sức voi. Voi không phải là vật nội địa từng tập quen, nên hễ gặp phải, trước tiên quân ta thế nào cũng tránh chạy. Không biết rằng, sức voi tuy khoẻ, chung quy cũng là thân máu thịt, không thể đương được với súng ống của ta. Nếu thấy voi ra trận, xa thì bắn súng, gần thì dùng cung và lao, làm cho nó bị đau mà chạy trở lại, giày xéo lẫn nhau, quân ta nhân cơ hội ấy mà tiến lên chém giết, thế nào cũng thắng trận, không còn nghi ngờ gì nữa. Cần phải chỉ bảo cho nhau cùng được biết.
Tuy đã đặc biệt chú ý cho quân sĩ phương cách chống lại tượng binh Tây Sơn nhưng Tôn Sĩ Nghĩ vẫn không thể ngờ được rằng đàn voi chiến của Hoàng đế Quang Trung đã quá đỗi dạn dày chinh chiến. Chúng không còn là voi bình thường nữa mà đều là những chiến binh trải được khổ luyện ghê gớm và từng trải qua nhiều lần sống chết nơi lửa đạn.
Trong trận đánh Thăng Long đầu tiên từ đêm 4 rạng ngày 5 Tết Kỷ Dậu, đạo tượng binh và kỵ binh do Đô đốc Long (Đặng Tiến Đông) chỉ huy, tấn công như vũ bão vào đồn Khương Thượng, khiến tên thái thú Điền Châu ở đây là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử.
Được đà chiến thắng, sáng mùng5, Nguyễn Huệ đích thân dẫn quân đánh đồn Ngọc Hồi. Đây là nơi tập trung binh hùng tướng mạnh của quân xâm lược, có hệ thống phòng thủ kiên cố. Để đối phó tượng binh Tây Sơn, quân thanh triệt để sử dụng các loại chất dẫn lửa để cản đường.
Theo Minh Đô Sử, tướng giặc Hứa Thế Hanh có trấn an quân sĩ: Dạy voi đánh trận là lối cũ của người Nam man. Mưu mẹo chống chế, Úy Phủ (tức Tôn Sĩ Nghị) đã có công văn nói rõ rồi.
Trận công đồn Ngọc Hồi được cả sử Trung Quốc là Thanh Thực Lục và sử Việt là Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (KĐVSTGCM) ghi chép chi tiết và trùng khớp.
Xin trích đoạn trong KĐVSTGCM: Hồi trống canh năm sớm hôm sau (mồng 5 tháng giêng), Văn Huệ xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Quân Thanh trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút trong lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn dùng những bó rơm to để che đỡ mà lăn xả vào, rồi quân lính tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy.
Tàn quân nhà Thanh chạy tới khu vực Đầm Mực, Quỳnh Đô nhưng khốn khổ cho chúng là nơi đây Đô đốc Bảo đã bày trận đợi sẵn. HLNTC có chép: quân Thanh mất hết hồn vía, vội trốn xuống Đầm Mực làng Quỳnh Đô. Quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người.
Tôn Sĩ Nghị khi nghe tin đại quân đại bại thì sợ mất mật, không kịp mặc giáp, ngựa chưa thắng yên, vội theo cầu phao vượt qua sông Cái (sông Hồng) bỏ chạy về phía Bắc.
|
Voi thời nhà Nguyễn. |
Voi chiến vốn được ông cha ta sử dụng từ rất lâu, gắn với những cuộc chiến chống ngoại xâm của bao vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Nhưng có thể khẳng định, phải tới thời quân đội Tây Sơn-Nguyễn Huệ thì việc dụng tượng binh mới đạt đến đỉnh cao. Được xây dựng như một binh chủng đặc biệt với số lượng lớn, tổ chức quản lý chính quy, huấn luyện chiến đấu bài bản, được trang bị các lợi khí nguy hiểm, có sự kết hợp chặt chẽ với các binh chủng khác. Đây là lực lượng xung kích xuất sắc, sức mạnh chiến đấu ghê gớm, đóng góp công đầu vào nhiều chiến thắng vang dội quân đội Tây Sơn mà đỉnh cao là cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh.
Tượng binh Tây Sơn thời này đã có một vai trò cực kỳ to lớn mà trước đó chưa từng có và sau này thì cũng không thể có được.