Tạp chí Jane's Defence Weekly cho biết, Công ty xuất nhập khẩu Máy móc Chính xác Trung Quốc (CPMIEC) đã đưa ra những chi tiết mới liên quan đến hệ thống kết hợp pháo – tên lửa phòng không FK-1000.
Theo đó, hệ thống vũ khí này được tích hợp trên khung gầm xe dã chiến bánh lốp 8X8, tháp pháo được trang bị phía sau thân xe. Module chiến đấu của hệ thống này được lắp 12 quả tên lửa đất đối không nhiên liệu đẩy rắn 2 tầng FK-1000 (gồm 2 bệ phóng mỗi bên với 6 quả tên lửa) và 2 pháo tự động 23 mm được lắp ở hai bên bệ phóng.
|
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không FK-1000 giống với Pantsir-S1.
|
Quan sát ảnh đã được công bố từ trước cùng thông tin bố trí vũ khí, Jane’s cho rằng, FK-1000 có thể là sản phẩm sao chép về mặt kiểu dáng của hệ thống phòng không 9K96 Pantsir-S1 của Cục thiết kế KBP Nga. Mặc dù hệ thống của Trung Quốc sử dụng khung gầm khác và lắp đặt pháo 23mm thay vì dùng pháo 30mm trên Pantsir-S1.
Hệ thống FK-1000 có thể đối phó hiệu quả mọi mục tiêu trên không từ máy bay phản lực tới tên lửa hành trình. Trong đó, tỉ lệ bắn hạ mục tiêu máy bay là 85%, còn tên lửa là 65%, thời giản phản ứng nhanh đạt 4-6 giây.
Cũng theo thông tin CPMIEC đưa ra, hệ thống này có thể tham chiến đồng thời với 2 mục tiêu, tầm bắn tối đa 22km, độ cao 10km. Trong đó, pháo 23mm đạt tầm bắn 20-2.800m, độ cao tối đa 2.300m. Còn tên lửa FK-1000 thì đạt tầm bắn khoảng 22.000m, độ cao 10.000m.
Như vậy, xét tính năng kỹ chiến thuật thì FK-1000 rõ ràng không thua kém quá nhiều trong phạm vi hỏa lực so với Pantsir-S1. Tuy vậy, khả năng tham chiến cùng lúc nhiều mục tiêu của FK-1000 hạn chế hơn so với Pantsir-S1.
|
FK-1000 trang bị 2 pháo 23mm, 12 tên lửa phòng không và 2 radar ở trước và sau bệ pháo.
|
Ngoài ra, Pantsir-S1 vượt trội hơn so với FK-1000 ở mặt giá cả, trong khi hệ thống Pantsir có thể có giá tới 15 triệu USD thì FK-1000 chỉ 5 triệu USD. Rõ ràng, đây sẽ là đối thủ đáng gờm với Pantsir trên thị trường xuất khẩu.
Một trung đội pháo phòng không FK-1000 tiêu chuẩn sẽ bao gồm: 1 xe chỉ huy, 6 xe phóng, 3 xe vận chuyển và bốc thiết bị (chở thêm 72 quả tên lửa đất đối không), 1 xe kiểm tra và thay thế linh kiện. Trung đội pháo binh như vậy thông thường sẽ được đưa vào một mạng lưới phòng không quy mô lớn, nhưng mỗi xe phóng của trung đội này đều có thể tác chiến độc lập.
Ngoài hệ thống FK-1000, công ty CPMIEC còn đang thúc đẩy xuất khẩu hệ thống chỉ huy tác chiến tên lửa phòng không TH-S711. Hệ thống này do một xe chỉ huy và radar giám sát lắp đặt trên xe hợp thành. Khi mục tiêu được xác định, nhiệm vụ tấn công sẽ được truyền đến thiết bọ phóng tên lửa đất đối không vác vai như loại FN-6. Binh sỹ vận hành tên lửa được trang bị mũ bảo hiểm tích hợp hệ thống hiển thị thông tin mục tiêu trên kính mũ.