Trong hội nghị hàng không tổ chức tại thành phố San Diego (Mỹ), các nhà khoa học Nga đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng dùng tên lửa đạn đạo để viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho khu vực có thảm họa thiên tai.
Theo các nhà khoa học, các tên lửa đạn đạo (đã bị loại biên chế) được tái trang bị có khả năng cung cấp hàng viện trợ nhân đạo tới vùng bị thiên tai chỉ trong vài phút. Trên đó có thể có thuốc men, máy phát điện, nước uống và thực phẩm. Những thứ đó đủ để cứu sống nhiều người trong khi chờ đợi xe tải, tàu hoặc máy bay đến được nơi xảy ra thảm họa. Và nếu như nói về Nam Cực hoặc các đảo ở Thái Bình Dương thì khó mà đánh giá hết được giá trị của phương cách này.
Về lý thuyết, có thể cài đặt được một container đựng hàng ở vị trí đầu đạn trên tên lửa đạn đạo. Quan trọng là phải làm sao để container không bị vỡ ra khi tiếp đất.
|
Các nhà khoa học cho rằng có thể dùng tên lửa đạn đạo đã loại biên chế để vận chuyển hàng cứu trợ.
|
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị xã hội Vladimir Yevseyev bình luận: “Nếu nói về việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo trong phần đầu của tên lửa thì cần phải thiết kế phần này với dù hãm tốc. Đây là một thay đổi quan trọng trong cấu trúc. Và phải hiểu rằng phần đầu của tên lửa liên lục địa đi vào thượng tầng khí quyển với vận tốc khoảng 5km/s, vì thế sẽ phải sử dụng một hệ thống dù rất lớn. Tôi không chắc là sẽ có thể giảm được vận tốc vì nó quá lớn”.
Thực tế, việc dùng tên lửa đạn đạo để cung cấp hàng viện trợ không phải là ý tưởng mới mẻ. “Từ những năm 1990, các công ty Nga đã phát triển phương án cung cấp hàng viện trợ với sự trợ giúp của tên lửa đạn đạo và các thiết bị có điều khiển cho các thủy thủ đoàn của những con tàu gặp nạn trên biển. Các tính toán đã được thực hiện, một số dự án đã được phát triển, nhưng rất tiếc là mọi việc chỉ ngừng lại ở đó”, Biên tập viên Tạp chí Tin tức Hàng không Vũ trụ Igor Afanasyev cho biết.
Ông Yuri Caras – Viện sĩ Viện Hàn lâm Vũ trụ Nga mang tên Tsiolkovsky cho biết là: “Đã có đề xuất cung cấp cả những bệnh viện dã chiến cỡ nhỏ và thiết bị y tế đến vùng bị thiên tai bằng các tên lửa đạn đạo. Nhưng tất cả những dự án phát triển này chỉ mới tồn tại trên giấy tờ. Dưới thời Xô Viết, bất kỳ vụ phóng tên lửa nào cũng có thể được coi như một sự khiêu khích”.
|
Tuy nhiên, ý tưởng tạo bạo này gặp rất nhiều khó khăn khó vượt qua về mặt công nghệ và chính trị.
|
Cũng theo ông này, trong tình hình hiện nay, ý tưởng này sẽ còn khó thực hiện hơn nhiều so với trước đây. Bởi vì chương trình tên lửa của các nước Triều Tiên, Iran và Pakistan đã mạnh lên đáng kể. Nếu như một tên lửa mang hàng viện trợ bay từ Mỹ về phía Triều Tiên thì Triều Tiên phải biết chắc chắn rằng đó thực sự là hàng viện trợ. Khi đó họ sẽ không đáp trả Mỹ bằng đầu đạn thật.
“Viện trợ khẩn cấp bằng tên lửa đạn đạo sẽ không thể thực hiện một khi trên thế giới vẫn tồn tại sự ngờ vực và không tin tưởng lẫn nhau”, các chuyên gia khẳng định.
Cho đến lúc đó, những tên lửa đã ngừng hoạt động sẽ được sử dụng vào những mục đích khác. Thí dụ như ở Nga, chúng có thể đưa những vệ tinh cỡ lớn lên quỹ đạo gần trái đất. Một phần tên lửa được quân đội sử dụng để thực hành diễn tập đánh chặn. Dù gì thì việc đó vẫn tốt hơn là “ép dẹp” những quả đạn trị giá hàng triệu USD bằng máy nén hay cắt chúng ra thành nhiều mảnh tại các nhà máy.