Dự án tiêm kích FGFA, Ấn Độ ăn lừa "khủng" từ Nga

Google News

(Kiến Thức) - Dù phải rót hàng tỷ USD cho dự án hợp tác phát triển tiêm kích tàng hình FGFA nhưng Nga đang dần đẩy Ấn Độ ra rìa.

Tạp chí Jane's Defence Weekly cho hay, Không quân Ấn Độ (IAF) đã bày tỏ mối quan ngại về sự chậm trễ trong chương trình hợp tác phát triển mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 (FGFA) với Nga. Trong khi số tiền mà cả hai bên bỏ ra cho chương trình này lên tới 10,5 tỷ USD là không hề nhỏ, nhất là FGFA lại được phát triển dựa trên nền tảng mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK-FA đã có sẵn của hãng Sukhoi.
Nguồn tin chính thức của IAF tiết lộ với Jane’s rằng, Không quân Ấn Độ đang không hài lòng về tính năng, thiết kế sơ bộ và cả vấn đề liên quan đến mẫu động cơ AL-41F1 của FGFA. Đó là còn chưa xét đến khả năng tàng hình hay hệ thống vũ khí mà FGFA sẽ được trang bị.
 Mô hình mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 FGFA của không quân Ấn Độ trong một triễn lãm hàng không.
Bên cạnh đó, khả năng hoạt động của hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động Byelka (AESA) trên FGFA cũng là vấn đề lớn. Mặt khác chi phí dành cho phát triển, bảo trì và độ tin cậy của chương trình trình cũng đặt ra câu hỏi lớn cho phía Ấn Độ.
Kết quả không mấy khả quan của chương trình FGFA đã khiến Ấn Độ quyết định giảm số lượng đặt mua mẫu máy bay này từ 220 chiếc từ ban đầu còn xuống 130-145 chiếc. Bên cạnh đó số lượng máy bay FGFA phiên bản hai chỗ ngồi cũng được giảm xuống. Còn phía Nga tiếp tục yêu cầu Ấn Độ rót thêm 1 tỷ USD cho chương trình FGFA và kéo dài thêm thời gian phát triển.
Không quân Ấn Độ cũng thấy khó chịu hơn về vấn đề chia sẻ thông tin của các đối tác Nga, khi phía Nga không muốn công bố thiết kế của T-50 PAK-FA được sử dụng làm nền tảng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Ấn Độ. Mặc dù New Delhi từ lâu đã là đối tác chiến lược của Nga và nhất là nước này đã chi một khoản lớn cho chương trình FGFA.
 Bản thân chương trình phát triển PAK-FA của Nga đã có quá nhiều rắc rối, nhất là sau vụ tai nạn vào tháng 6 năm nay.
Ấn Độ cho đến nay đã thanh toán khoản 295 triệu USD đối với giai đoạn thiết kế sơ bộ và xem xét những chương trình quan trọng, để giúp cho cơ quan phát triển hàng không Ấn Độ khởi dộng chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 tầm trung nội địa (AMCA) của nước này.
Không những thế, phía Nga còn không có ý định chia sẻ các thông tin có liên quan đến sự cố cháy động cơ của một mẫu thử PAK-FA tại trung tâm thử nghiệm Zhukovsky gần Moscow vào tháng 6 vừa rồi. Một nhóm nghiên cứu đánh giá kỹ thuật của Quân đội Ấn Độ tại trung tâm trên, đã không được phép tiến hành điều tra các nguyên nhân gây nên sự số trên.
Các quan chức Nga chỉ trấn an IAF rằng, sẽ mở rộng quyền tiếp cận của phía Ấn Độ đối với chương trình PAK-FA trong thời gian sắp tới. Cũng như mẫu động cơ NPO Saturn AL-41FI chỉ là giải pháp tình thế tạm thời của chương trình PAK-FA trong quá trình thử nghiệm ban đầu và một mẫu động cơ tiên tiến hơn đang được phát triển. Tương tự đó là hệ thống radar AESA cũng đang được cải thiện, cùng với một số hệ thống khác.
 Tuy được Nga đánh giá khá cao nhưng mẫu động cơ NPO Saturn AL-41FI  không được những gì như mong đợi.
Một trong nguyên nhân chính dẫn tới rạn nứt sự hợp tác được cơ quan phát triển hàng không Ấn Độ (HAL) cho biết rằng, có liên quan tới tỉ lệ công việc phát triển FGFA được phân chia cho mỗi bên. Khi kết thúc đợt đàm phán đầu tiên vào năm 2013 HAL sẽ đảm nhiệm 25% chương trình phát triển của FGFA, nhưng con số này chỉ còn 13% trong thời gian gần đây.
Theo thỏa thuận mới, HAL chỉ sẽ hỗ trợ cung cấp các phần rất nhỏ bộ phận trong chương trình FGFA như lốp máy bay, thiết bị dẫn đường cơ bản, hệ thống định vị laser, màn hình hiển thị và hệ thống làm mát bổ sung cho radar. Đa phần chúng đều không mấy quan trọng cho chương trình này.
Nhà phân tích quân sự VK Bhatia cho biết, Ấn Độ không nên để mình bị lợi dụng bởi Nga, trong khi nước này đóng góp một nữa chi phí cho chương trình FGFA. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo HAL không nên vung tay quá chán trong quá trình phát triển FGFA, khi khả năng công nghệ hàng không nội địa hiện tại của Ấn Độ còn bị hạn chế.
Phân tích của tạp chí Jane’s
Theo một quan chức cấp cao của IAF cho biết, những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK-FA của Nga sẽ đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt từ 2016-2017. Trong khi đó HAL chỉ có thể bắt đầu quá trình này vào giai đoạn từ năm 2020-2021.
 Tuy rất có cố gắng trong các chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới nhưng Không quân Ấn Độ vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Điều này đa phần nằm trong sự chậm trễ phát triển các hệ thống nền tảng của FGFA đã phân tích ở trên, cơ bản vẫn nằm ở động cơ và hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) còn quá nhiều khuyết điểm.
Sau khi trở về từ Moscow vào tháng 8/2012, tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ - Tướng Norman Anil Kumar Browne đã tuyên bố rằng, nguyên mẫu FGFA đầu tiên sẽ trải qua các thử nghiệm và sẽ được trang bị vào năm 2014 tại căn cứ không quân Ojhar của IAF tại Nashik, miền tây Ấn Độ. Nhưng sau đó thời hạn trên đã được thay đổi sang năm 2017 và 2019.
Căn cứ không quân Ojhar cũng đã được nâng cấp để tạo nền tảng cơ sở cho FGFA bay thử nghiệm, cũng như phục vụ cho quá trình nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng Nga. Sau đó Browne còn cho biết, thiết kế của FGFA sắp hoàn thiện và sẽ được sản xuất hàng loạt tại nhà máy Ojhar của HAL. Tuy nhiên từ đó cho đến nay kế hoạch trên đã bị Không quân Ấn Độ nhiều lần thay đổi.
Trà Khánh

Bình luận(0)