Hầu hết các chuyên gia quân sự thế giới đều coi tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, nhưng ông Zachary Keck – biên tập viên The Diplomat (trụ sở tại Tokyo) cho rằng, tên lửa hành trình mới là “sát thủ tàu sân bay thực sự”.
|
Tên lửa hành trình chống tàu tầm xa C-602 (hay còn gọi là YJ-62) bắn thử nghiệm trên đất liền.
|
Trích dẫn một báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Nội vụ Quân sự Trung Quốc – Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia, ông Keck cho rằng, yếu tố quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Quân đội Trung Quốc là phát triển và triển khai số lượng lớn các loại tên lửa hành trình chống tàu chính xác cao và tên lửa hành trình đối đất trên bờ, trên không, trên biển.
Báo cáo cũng trình bày chi tiết một số lợi thế của tên lửa hành trình chống tàu sân bay Mỹ, các tác giả lưu ý rằng tên lửa hành trình có thể phóng từ nhiều nền tảng trên bộ, biển và trên không. Với tín hiệu hồng ngoại thấp, các tác giả nói rằng tên lửa hành trình rất khó bị phát hiện từ các hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương.
“Với tốc độ siêu âm, diện tích phản xạ sóng radar nhỏ và độ cao bay cực thấp sẽ giúp tăng khả năng thâm nhập, vượt qua hệ thống phòng không đối phương của tên lửa hành trình”, báo cáo cho biết.
“Trong khi đó, Trung Quốc với tiềm lực quốc phòng của mình có thể sản xuất tên lửa hành trình với giá rẻ và có thể dự trữ số lượng rất lớn”, ông Keck cho biết.
Ông này kết luận, Quân đội Trung Quốc có thể khai thác giải pháp số lượng bên cạnh chất lượng để tăng khả năng tiếp cận, tấn công tàu sân bay Mỹ.
Thực vậy, hiện nay Quân đội Trung Quốc được cho là sở hữu kho tên lửa hành trình đa dạng không thua kém Nga, Mỹ. Thậm chí ở lĩnh vực tên lửa chống tàu thì Mỹ không còn là đối thủ của Trung Quốc.
|
Máy bay ném bom H-6 có thể mang được tên lửa chống tàu tầm xa vài trăm km tới tên lửa đối đất tầm vài nghìn kim.
|
Theo đó, công nghệ quốc phòng Trung Quốc đã phát triển cho hải quân, không quân nước này khoảng 30 kiểu tên lửa từ cận âm tới siêu âm. Điển hình như các loại tên lửa hành trình chống tàu trang bị trên tàu hộ vệ và tiêm kích đa năng YJ-82 (và các biến thể khác) đạt tầm bắn từ 120-300km; tên lửa hành trình chống tàu phóng từ tàu hộ vệ - khu trục và bệ phóng mặt đất C-602 đạt tầm bắn đến 400km; tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh YJ-12 đạt tầm tới 400km…
Trong lĩnh vực tên lửa hành trình đối đất, Trung Quốc đã phát triển hơn 20 kiểu khác nhau với một số là biến thể của tên lửa chống tàu. Điển hình như: tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không CJ-10 (đạt tầm bắn khoảng 2.500km); tên lửa hành trình DH-10 đạt tầm phóng tới 4.000km; seri tên lửa HN-1/2/3 đạt tầm phóng 600-3.000km. Tất cả các mẫu tên lửa này đều có thể phóng từ máy bay ném bom H-6, tàu khu trục cỡ lớn như Type 052D.