Sự thật bất ngờ
Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) không phải là một lực lượng hùng hậu nhưng lại vô cùng bí ẩn. Chính vì thế những tiết lộ liên quân đến lực lượng này luôn thu hút được một sự chú ý lớn. Gần đây, thế giới đã ngỡ ngàng với đoạn video quay lại cảnh KPN cho khai hỏa tên lửa đối hạm hiện đại Kh-35. Trước đó người ta nghĩ rằng Triều Tiên chỉ có trong tay những tên lửa đối hạm P-15 Termit cũ kỹ.
Cũng ít ai biết rằng, KPN đã có những chương trình đóng khu trục hạm chống ngầm, có sàn đáp trực thăng. Chương trình này bắt đầu từ những năm 1990, dùng để đối phó với việc miền Nam (Hàn Quốc) bắt đầu phát triển và đóng mới các tàu ngầm tối tân thuộc lớp KSS theo công nghệ của Đức, cũng như là một phương tiện bảo vệ nguồn lợi biển của Hàn Quốc. Đây là những tàu chiến mặt nước lớn nhất của Triều Tiên, được nghiên cứu và đóng mới trong thời kỳ mà Bình Nhưỡng phải chịu rất nhiều lệnh cấm vận, trừng phạt từ nước ngoài, đồng thời cũng phải đối phó với các vấn đề thiên tai, thảm họa trong nước.
|
Một số cơ sở Hải quân Triều Tiên được nhắc trong bài.
|
Cuối những năm 1990, Hải quân Nhân dân Triều Tiên đã khởi xướng một chương trình hiện đại hóa và đóng mới nhiều loại tàu mặt nước, cụ thể như sau:
- Thay thế các tổ hợp phòng thủ tầm ngắn-cực ngắn (CIWS) cũ trên các chiến hạm bằng pháo nòng xoay 30mm và súng 14,5mm mới.
- Phát triển lớp tàu tuần tra hai lớp vỏ nhỏ, tốc độ cao. Từ lớp này, chia ra thành ít nhất hai phân nhỏ hơn.
- Phát triển lớp tàu siêu mảnh (VSV) với ít nhất 3 phân lớp con.
- Phát triển tàu khu trục chống ngầm có khả năng chở trực thăng săn ngầm.
Đáng chú ý là KPN đã bổ sung yếu tố tàng hình vào trong thiết kế cho những tàu hai lớp vỏ và tàu siêu mảnh VSV.
Phần quan trọng nhất trong cả chương trình lớn này của miền Bắc chính là loại tàu khu trục chống ngầm mới. Nói là mới, vì trước đó vào những năm 1970, Triều Tiên cũng đã từng phát triển một lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, chở máy bay trực thăng và có khả năng chống ngầm. Đó là tàu khu trục hai lớp vỏ Soho, số hiệu 823. Tàu có thể mang theo trực thăng săn ngầm Mi-4PL, 4 giàn rocket chống ngầm RBU-1200, bốn tên lửa hành trình đối hạm SS-N-2 Styx và một hải pháo 100mm. Soho được đặt lườn tại nhà máy đóng tàu số 28 Najin vào tháng 6/1980, hạ thủy tháng 10/1981 và đưa vào biên chế tháng 5/1982.
|
Tàu khu trục lớp Soho số hiệu 823 tại cảng Singyo-ri. Ảnh chụp vệ tinh ngày 5/11/2006. Nguồn: DigitalGlobe.
|
Tuy nhiên, con tàu gặp nhiều vấn đề từ khâu thiết kế khiến khả năng đi biển của nó khá hạn chế. Chính vì vậy, phần lớn thời gian tàu chỉ ở khu vực cảng và không bao giờ đi ra khỏi vùng biển phía đông. Cuối những năm 1980, Triều Tiên có mua trực thăng chống ngầm từ Liên Xô về để trang bị cho chiến hạm này nhưng không rõ khả năng hoạt động sau đó.
Đến những năm 1990, Soho được biên chế cho đội tuần tra Singyo-ri ở bở Đông, giữa những năm 2000 được đại tu lại. Đến tháng 6/2007, con tàu được cho về hưu và quay trở lại nhà máy đóng tàu số 28 ở Najin. Đến năm 2009, tàu bị chính thức dỡ bỏ.
|
Trực thăng chống ngầm Mi-4 trên bong tàu 823, trong khoảng thời gian 2004-2007. Ảnh từ KCTV
|
Tàu khu trục chống ngầm mới
Soho là một chương trình thất bại của Triều Tiên, chỉ duy nhất một chiến hạm thuộc loại này được đóng. Điều này tạo ra một khoảng trống lớn trong khả năng phòng thủ của miền Bắc, đặc biệt trước sự lớn mạnh của lực lượng tàu ngầm miền Nam. Chính vì thế, KPN đã có ý định xây dựng một lớp tàu khu trục chống ngầm mới ngay từ những năm 1990.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn, đặc biệt là về mặt kinh tế do sự cấm vận của phương Tây đã khiến cho chương trình chỉ được bắt đầu từ năm 2006-2007. Tránh lặp lại những sai lầm trước đó, Viện thiết kế khoa học của Bộ Quốc phòng kết hợp với Viện Nghiên cứu Hàng Hải Triều Tiên đã thực hiện rất kỹ giai đoạn nghiên cứu, thiết kế thủy động cho lớp tàu mới.
Theo những hình ảnh vệ tinh thu được, có ít nhất hai chiếc tàu thuộc lớp này đã được đóng. Chiếc đầu tiên, đóng vào đầu năm 2010, hạ thủy khoảng tháng 5/2011 tại nhà máy đóng tàu Nampo (ở bờ biển phía Tây). Chiếc thứ hai đóng tại Najin đầu năm 2011 và hạ thủy khoảng tháng 6/2012. Chưa có thông tin về việc chúng chính thức được biên chế vào KPN.
|
Một trong hai chiếc khu trục hạm săn ngầm mới, tạm gọi là lớp Nampo, neo đậu tại cảng Nampo. Ảnh chụp vệ tinh 27/12/2013.
Nguồn: DigitalGlobe.
|
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai con tàu tương tự nhau, có chiều dài khoảng 76m, rộng 11m, lượng dãn nước vào khoảng 1.300 tấn. Kích thước sàn đáp máy bay khoảng 29m x 11m. Sàn đáp này có thể là nơi neo đỗ cho 1 máy bay Mi-4PL hoặc Mi-14PL.
Hệ thống vũ khí trên tàu khá đơn giản, gồm 4 giàn phóng rocket chống ngầm RBU-1200 và có thể có thêm một tổ hợp phòng thủ tầm ngắn-cực ngắn sử dụng pháo siêu tốc 30mm. Tuy nhiên, với những khoảng trống lớn, rất có thể tàu sẽ còn được tích hợp thêm hệ thống tên lửa đối hạm hiện đại như C-802 hoặc Kh-35.
Có quá ít tài liệu cũng như thời gian để đánh giá về sự thành công của chương trình tàu khu trục mang máy bay trực thăng săn ngầm mới này. Con tàu có thể gặp nhiều vấn đề về radar, sonar, các hệ thống tác chiến điện tử khác, bên cạnh đó là vấn đề phòng không/phòng thủ tên lửa. Đó là những điểm yếu của nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên.
Tuy nhiên, không ngoại trừ khả năng, Bình Nhưỡng, bằng những con đường phi chính thức sẽ có được những hệ thống thiết bị hoặc công nghệ sản xuất từ nước ngoài để giải quyết những yếu điểm này. Nhìn chung, KPN sẽ còn phải mất thời gian một vài năm để tích hợp đầy đủ các hệ thống vũ khí, điện tử trên tàu cũng như kiểm tra, đánh giá chúng để khu trục lớp mới có thể hoạt động một cách đầy đủ trong hạm đội.
|
Chiếc khu trục lớp Nampo còn lại, neo đậu tại cảng của nhà máy đóng tàu Naji. Ảnh chụp vệ tinh ngày 17/1/2014. Nguồn: Digital Globe
|
Hai tàu khu trục này cũng là những chiến hạm mặt nước lớn nhất được Triều Tiên hạ thủy trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Chúng phản ánh một lỗ lực và khả năng mới từ KPN, nếu thành công, đây có thể là khởi đầu cho sự phát triển một lực lượng lớn tàu chiến mang máy bay chống ngầm trong biên chế của Hải quân Triều Tiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược răn đe, phòng thủ phi đối xứng của hải quân nước này theo đuổi trước những tàu ngầm từ Hàn Quốc và xa hơn là từ Hải quân Mỹ.
Những tàu chiến như vậy cũng được sử dụng cho nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền, tài nguyên trên biển trong bối cảnh các đội tàu cá từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đang gia tăng các hoạt động đánh bắt trên cả biển bờ đông và tây của Triều Tiên.
Cuối cùng, đó được coi như câu trả lời của Bình Nhưỡng trước những lệnh cấm vận, trừng phạt của nước ngoài cũng như những thông tin tiêu cực về tình trạng đất nước này, vốn hay được truyền thông phương Tây đăng tải.