Thời gian gần đây, truyền thông thế giới đã đăng tải những hình ảnh “quý hiếm” về chuyến thăm của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tới đơn vị tàu ngầm 167, Hạm đội Đông Hải, căn cứ Nam Hamgyong. Theo những gì được nhìn thấy, ông Kim xuất hiện trên một con tàu ngầm số hiệu 748 màu xanh kiểu cũ, trên tàu có nhiều vết rỉ sét lớn.
Nhiều nhà phân tích nước ngoài đã dựa vào hình ảnh đó để đưa ra những nhận xét rằng đội tàu ngầm của Triều Tiên đang ở trong tình trạng cũ nát.
Tụt hậu về công nghệ
|
Ông Kim Jong Un xuất hiện trên chiếc tàu ngầm số 748 thuộc lớp Romeo/Type 033 cũ kỹ.
|
Đây là một quan điểm phổ biến. Những tàu ngầm như chiếc 748 vốn phổ biến trong biên chế của Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) thuộc loại Romeo/Type 033 (Romeo là phiên bản của Liên Xô còn Type 033 là bản sao của Trung Quốc), đại diện cho một thế hệ tàu ngầm đã lỗi thời. Romeo/Type 033, có lượng dãn nước tối đa 1.800 tấn, lớp tàu này được tạo ra bằng công nghệ cải tiến lấy từ tàu ngầm U boat của Đức Quốc xã. Chúng được sản xuất hàng loạt tại Liên Xô vào những năm 1950 và sau đó là tại Trung Quốc những năm 1960.
Ngược lại, Hải quân Hàn quốc (ROKN) sở hữu một hạm đội tàu ngầm hiện đại, đó là những tàu ngầm KSS-1 Chang Bogo và KSS-2 Sohn Won-Il được đóng dựa trên công nghệ của Type-209/1400 và Type 214 của Đức. Trong khi tàu ngầm Triều Tiên không có khả năng phóng tên lửa, chỉ có khả năng tác chiến một cách đầy đủ trong tầm gần nhờ các ngư lôi cổ điển. Tàu ngầm của Hàn Quốc được trang bị tên lửa chống tàu UGM-84C Sub-Harpoon, có khả năng tiêu diệt các chiến hạm đối phương từ cự ly 120-130km. Chúng cũng được trang bị những ngư lôi dẫn đường hạng nặng tiên tiến do Đức chế tạo. Các hệ thống điện tử, sonar trên tàu Hàn Quốc cũng là vượt trội.
Giữa đội tàu ngầm của Hàn Quốc và Triều Tiên rõ ràng tồn tại một khoảng cách lớn về công nghệ kỹ thuật, khoảng cách này sẽ còn được nới rộng thêm với việc Hàn Quốc sắp bổ sung lớp tàu ngầm KSS-3 mới nhất vào trực chiến.
Sự thăng trầm của Hải quân Triều Tiên
Đã từng có một thời, Hải quân Triều Tiên là thế lực sừng sỏ tại Châu Á- Thái Bình Dương. Kỷ nguyên vàng đó được tạo ra nhờ nguồn tài trợ hào phóng về mặt kỹ thuật và tài chính từ Liên Bang Xô Viết vào những năm 1960-1970. Tuy xét về nhiệm vụ, đây không phải là lực lượng hải quân viễn dương, nhưng lại có quy mô rất lớn.
Số lượng và thậm trí là chất lượng của KPN khi ấy lấn lướt hoàn toàn so với miền Nam, vốn chỉ được Mỹ tài trợ những thiết bị-khí tài từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2. Mãi cho tới đầu thập niên 1980, Hải quân Hàn Quốc mới sở hữu những tàu ngầm mini có nguồn gốc từ Italy. Loại tàu ngầm chiến đấu thực thụ đầu tiên của ROKN là Chang Bogo, đợi tới năm 1993 mới được ra mắt, chậm hơn gần 2 thập kỷ so với khi miền Bắc bắt đầu được trang bị và có giấy phép sản xuất các tàu Romeo/Type 033.
Tuy nhiên, sau ngày lá cờ đỏ trên nóc điện Kremlin bị gỡ xuống thì nguồn viện trợ từ Moscow đến Bình Nhưỡng cũng chính thức bị chặn đứng. Như "đứa trẻ bị mất đi nguồn sữa mẹ", Hải quân Triều Tiên xuống cấp một cách nhanh chóng. Trớ trêu thay, đây lại là thời kỳ mà Hàn Quốc tạo được sự bùng nổ trong tăng trưởng kinh tế và nhảy vọt trong tiếp thu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Đó là một bệ phóng lý tưởng để đảm bảo xây dựng một lực lượng hải quân mạnh mẽ, hoàn thiện và được nhìn nhận như một trong những lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới. Ưu thế bây giờ lại đổi về tay miền Nam.
|
Tàu ngầm tấn công KSS-II rất hiện đại của Hàn Quốc.
|
Vẫn là lực lượng ven bờ
Đây là một vấn đề có thể tạo ra tranh cãi. Thực tế thì Hải quân Triều Tiên có những phương tiện tác chiến tầm xa. Lại lấy tàu ngầm Romeo/Type 033 làm ví dụ, chúng có khả năng tiến hành tuần tiễu tầm xa. Trên lý thuyết, nếu xảy ra chiến tranh thì những tàu ngầm này có thể được dùng để phong tỏa, tấn công các tuyến đường biển của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sẽ khó có khả năng này trong thực tế nếu như Bình Nhưỡng không muốn chơi một canh bạc tất tay. Các tàu ngầm tầm xa của KPN sẽ bị nhanh chóng gặp phải mối đe dọa khi chúng đi ra xa khỏi vùng căn cứ. Bởi vì, hải quân nói riêng và các lực lượng vũ trang Triều Tiên nói chung không đủ nguồn lực, phương tiện để tạo ra một thế trận hiệp đồng trên một vùng biển rộng lớn. Nói đơn giản là tàu ngầm sẽ đơn thương độc mã tiến vào hang hùm miệng cọp mà không nhận hoặc nhận được ít sự hỗ trợ, yểm trợ từ lực lượng không quân cũng như tàu mặt nước. Triều Tiên không có nhiều hạm nổi lượng dãn nước lớn và có thể tác chiến tầm xa, tương tự với không quân.
Lúc đó thì những chiếc tàu ngầm loại cũ, ồn ào như Romeo/Type 033 sẽ dễ dàng bị phát hiện và thành miếng mồi ngon cho các lực lượng săn ngầm hiện đại.
Đó là lý do trong hiện tại và tương lai gần, KPN chỉ có thể giữ được sức mạnh khi họ còn trong vùng biển gần, trong tầm hỗ trợ của các lực lượng mặt đất.
Mối đe dọa đến từ các tàu ngầm mini
|
Chiếc tàu ngầm Sang-O gắn liền với "sự cố Geungneung" chấn động cả đất nước Hàn Quốc một thời.
|
Trong khi nhiều người chỉ quan tâm đến khoảng cách công nghệ hải quân giữa miền Nam và miền Bắc thì họ đã đánh giá sai lầm sức mạnh của KPN. Mối đe dọa thực tế và nguy hiểm hàng đầu của hạm đội tàu ngầm Triều Tiên thậm trí không liên quan nhiều đến những chiếc tàu ngầm Romeo gỉ sét mà ông Kim Jong Un đến thăm, mà lại đến từ lực lượng tàu ngầm mini bí mật của KPN.
Trong khi ROKN đang đầu tư cho sự phát triển của những tàu ngầm tấn công lớn và hiện đại thì chiến hạm Cheonan của họ lại bị đánh chìm mà theo Seoul thì bởi một tàu ngầm mini Triều Tiên. Các tàu ngầm mini này cũng thường xuyên xâm nhập thành công vào vùng biển Hàn Quốc mà không hề bị phát hiện
”Sự cố Geungneung” nổi tiếng diễn ra hồi tháng 9/1996 là một ví dụ, tàu ngầm mini lớp Sang-O của KPN đã trở 25 lính biệt kích Triều Tiên xâm nhập thành công vào vùng biển được bảo vệ chặt chẽ bởi quân đội Hàn Quốc. Sự việc chỉ bại lộ khi con tàu này bị mắc kẹt gần bờ và không thể quay lại biển. Seoul sau đó đã phát lệnh cho một cuộc săn lùng cực lớn kéo dài 49 ngày nhằm tóm gọn nhóm biệt kích này, nhưng họ gần như đã bị giết chết trong các cuộc truy đuổi, chạm trán với lính Hàn Quốc, chỉ duy nhất một người còn sống. Theo lời khai của anh ta thì con tàu đã vượt qua được những sonar hiện đại của chiến hạm Hàn Quốc. Hai năm sau đó, một tàu ngầm mini khác của KPN đã bị mắc trong lưới đánh cá của ngư dân Hàn Quốc. Đó là con tàu thuộc lớp Yugo, bị nạn ở vùng biển cách cảng Sokcho, Hàn Quốc 18km về phía đông. Hải quân nước này đã nhanh chóng tiếp cận và kéo con tàu về căn cứ hải quân tại Donghae. Tuy nhiên, thủy thủ đoàn vốn vẫn còn nguyên trong con tàu đã đánh chìm nó và tự sát nhằm tránh rơi vào tay kẻ thù.
Những sự cố như trên cho thấy rằng, Triều Tiên đang sử dụng chiến lược phi đối xứng nhằm đối phó với các hạm đội miền Nam tiên tiến hơn rất nhiều và tàu ngầm mini là một thành phần quan trọng trong chiến lược này.
Chống xâm lược từ biển
|
Những tàu ngầm mini lớp Ghadir của Iran.
|
Cuộc đổ bộ vào Incheon của Thủy quân lục chiến Mỹ dưới chỉ huy bởi Thống tướng lẫy lừng Douglas MacArthur trong chiến tranh Triều Tiên là một bài học mà Bình Nhưỡng luôn khắc cốt ghi tâm. Hải quân Triều Tiên phải đảm bảo điều đó không bao giờ được lặp lại trong tương lai bằng những phương tiện phù hợp.
Bên cạnh những nhiệm vụ trong thời “bình”, tàu ngầm mini là một sự lựa chọn phù hợp cho chiến lược chống tiếp cận bằng đường biển khi chiến tranh xảy ra. “Bầy sói biển” này là tập hợp của những tàu ngầm có kích thước nhỏ (thường có chiều dài bằng một nửa tàu ngầm lớp Romeo), có khả năng thoắt ẩn, thoắt hiện, cực kỳ linh hoạt trong nhưng vũng vịnh nhỏ hẹp trải dài trên bờ biển Triều Tiên. Chính lợi thế về công nghệ đơn giản và chi phí thấp giúp cho chúng có số lượng đông đảo và được đóng mới nhanh chóng hơn nhiều so với những tàu ngầm phức tạp của ROKN. Thêm vào đó, thủy thủ đoàn có tinh thần chiến đấu cao, thông thuộc địa hình ven biển cũng là một yếu tố quan trọng để Triều Tiên có thế “thi triển” kiểu chiến thuật “hit-and-run” nhằm chống lại các lực lượng đổ bộ Mỹ-Hàn.
Các học thuyết đều phải chứng minh tính đúng đắn của mình qua thực tế. Chiến lược phát triển đội tàu ngầm mini của Bình Nhưỡng đã chứng minh được sự thành công. Iran cũng đã mua thiết kế và một số nguyên mẫu tàu ngầm mini của Triều Tiên để chế tạo các phiên bản nội địa cho riêng mình. Và đội tàu ngầm của quốc gia Hồi giáo này đang là một thế lực tại khu vực veo biển Hormuz, yết hầu của vùng Vịnh.
Những hành động gần đây của Hải quân Hàn Quốc cũng được tập trung vào tăng cường khả năng tác đối phó với tàu ngầm. Họ tổ chức các cuộc tập trận chống ngầm lớn nhỏ, có khi với sự tham gia của Mỹ. Gần đây nhất là cuộc tập trận gần đảo Dokdo, được coi như một hành động nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của ROKN trước mối đe dọa từ tàu ngầm Triều Tiên, diễn ra không lâu sau chuyên đi thăm đơn vị tàu ngầm 167 của ông Kim Jong Un.
Cũng như các vấn đề ưu tiên khác trong quân sự, chương trình phát triển các đội tàu ngầm mini được Bình Nhưỡng giữ rất kín. Rất khó để đánh giá đúng sức chiến đấu của lực lượng này.
Quốc tế không nên bị nhầm lẫn bởi hình ảnh những chiếc tàu ngầm gỉ sét được KCNA công bố mới đây. Rất có thể chúng chỉ là quân bài để đánh lạc hướng nước ngoài. Sẽ là sai lầm chết người cho kẻ thù của Triều Tiên nếu họ bỏ qua sức mạnh tiềm ẩn của các đội tàu ngầm mini.