V khi ấy kỹ thuật thanh nhạc hay các yếu tố còn lại chẳng có ý nghĩa gì.
Giảm hẳn những cuộc tranh luận giữa “hai phe”: hội đồng trẻ tuổi và hội đồng lớn tuổi trong chương trình Giai điệu tự hào những số trước khi những câu chuyện tình yêu qua các thời kỳ được tái hiện lại qua những bài ca. Đặc biệt, khi ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng được NSND Thanh Hoa hát cùng con trai Tôn Thái Sơn. “Hai phe” lần đầu là một khi cùng rưng rưng xúc động nghe tác giả Nguyên Soái đọc lại bài thơ gốc và nghe ông kể về hành trình nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc cho bài thơ đó thế nào. Không ít khán giả truyền hình lần đầu biết rằng, NS Thuận Yến đã sửa chữ “Lào Cai” thành “biên cương” để phổ lời cho câu hát đầu tiên: “Anh ở Lào Cai – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” thành: “Anh ở biên cương – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
|
NSND Thanh Hoa và con trai Tôn Thái Sơn tái hiện một câu chuyện tình yêu xúc động khi hát "Gửi em ở cuối sông Hồng" |
NSND Thanh Hoa cũng khiến nhiều người rưng rưng khi cô kể về kỷ niệm hát ca khúc này cho những chiến sĩ ở Trùng Khánh trong ánh sáng của những chiếc đèn pin được chiếu lên 2 thùng xe tải quay đầu. Những chàng trai 18, 20 vội vã nghe hát, rồi vội vã tản đi trong rừng rậm, bởi nghe tin đêm ấy sẽ có pháo kích. Và đó là lý do, lần này NS Thanh Hoa chọn hát với con trai cũng ở tuổi 20 của mình rồi tự hỏi, có bao nhiêu chàng trai tuổi 20 ngày ấy còn có thể tiếp tục câu chuyện tình yêu với những cô gái miền xuôi, hay chiến tranh đã mang họ ra đi cùng với “dòng sông ngàu lên xác đỏ” ngày ấy. Giờ đây, ở tuổi ngoài 60, Thanh Hoa đã hát bằng “hồi ức của sự chia cắt mãi mãi” như lời nghệ sĩ chia sẻ.
Dù màn biểu diễn vẫn nhận được những bình luận “phản đề”: “NSND Thanh Hoa không nên hát cùng con trai” của PGS Nguyễn Thị Minh Thái. Nhưng, đây là lần hiếm hoi, nhiếp ảnh Na Sơn nhận thấy, giữa hai hội đồng có một tiếng nói chung, một xúc cảm chung: sự xúc động. Nhà thơ Thụy Kha lại thấy tất cả những năm tháng tuổi trẻ của mình trong từng câu hát đó. Và một lần nữa, một sự thật được chứng minh, rằng nếu một tác phẩm thực sự hay, tự nó sẽ vượt được mọi không gian và thời gian, định kiến để hiện diện trong đời sống của mỗi chúng ta, ở một lúc nào đó, ở đâu đó.
|
Ca sĩ Anh Thơ và ca sĩ Kiều Hưng song ca "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ". |
Trong một bình luận khi nghe ca khúc Con kênh ta đào (NS Phạm Tuyên), đạo diễn Lê Hoàng đã chia sẻ rằng: “Bài hát sống mãi không có nguyên tắc nào cả, là bài hát chúng ta tự nhiên hát lên”. Điều đó hiện diện khi NSND Thanh Hoa hát cùng con trai mình Gửi em ở cuối sông Hồng.
Lấy tựa là một ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương – “Tình ta biển bạc đồng xanh” để đặt cho những câu chuyện kể tình yêu trong Giai điệu tự hào tháng 8, đạo diễn Thanh Phương đã tái hiện lại nhiều chuyện tình trên dải đất hình chữ S một thời. Khán giả được nghe lại những bài ca không thể quên như Người đi xây hồ kẻ gỗ (Nguyễn Văn Tý), Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp), Trước ngày hội bắn (), Con kênh ta đào (Phạm Tuyên)…
Tình yêu trong những ca khúc một thời ấy có cả tình yêu lứa đôi trong chiến trận, xa cách, tình yêu quê hương đất nước, nhưng cũng có thể là “những gian khổ được lãng mạn hóa thành tình yêu giúp những con người sát lại gần nhau vượt lên gian khó” (ý của thiếu tá Nguyễn Minh Cường). Trong nhiều bình luận, khi hội đồng “già” hết lời khen ngợi ca khúc, hội đồng “trẻ” ném đá rằng, bài ca đã hoàn thành xong sứ mệnh tuyên truyền và không còn giá trị nghệ thuật thì đạo diễn Lê Hoàng “tức giận” đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại cho rằng truyên truyền không hay và phải giãy nảy lên”. Vị đạo diễn cũng đưa ra dẫn chứng cho thấy bài hát Con kênh ta đào (NS Phạm Tuyên) dù những người như anh không tự nhiên hát lên ở một ngày đẹp trời nào đó, nhưng nó là một bài hát tuyên truyền hay.
|
Nhạc sĩ Quốc Trung |
Có một điều chưa đáng “tự hào” ở Giai điệu tự hào chính là, trong nhiều cuộc tranh luận giữa hai hội đồng bình luận hoặc giữa các bình luận viên đến với chương trình đều không hướng đến bình luận về giá trị của ca khúc mà thiên về “chặt chém” nhau. Nhiều màn “thử nghiệm” của đạo diễn chương trình khi mời ca sĩ trẻ hát lại một ca khúc cũ, hoặc làm mới lại nó bằng các bản phối mới đều gây ra những cuộc tranh cãi kịch liệt, nhiều khi đi ra ngoài âm nhạc. Đó là lý do, NS Quốc Trung khi không ngồi ở “ghế nóng” người làm sản xuất, bước xuống hàng ghế khán giả đã đặt câu hỏi rằng: Nếu những người đi trước không chấp nhận tiếng nói của lớp trẻ thì rất khó để Giai điệu tự hào mang lại một giá trị giáo dục tích cực.
Tuy nhiên, với góc độ quan sát của những khán giả thường xuyên, nhiều ý kiến của các bình luận viên trẻ đôi khi cũng “lấn lướt” và phủ nhận giá trị của các khúc một thời khi mà, chính bản thân họ chưa hiểu hết về ý nghĩa, giá trị của những bài ca đó. Thành ra, ý kiến của “khán giả” đặc biệt Lê Hoàng trong Giai điệu tự hào tháng 8 lại có nhiều ý nghĩa: “Đừng thấy hễ là tuyên truyền thì nhảy dựng lên”. Và Lê Hoàng cũng rất xác đáng khi cho rằng, một ca khúc đi mãi cùng năm tháng, là một bài hát chẳng có nguyên tắc nào cả, chỉ là chúng ta rất tự hát lên. Và âm nhạc, nghệ thuật là vậy, khi nó chạm đến được sự rung động trong tâm hồn, thì mọi kỹ thuật từ nhạc lý đến ca từ đều không còn ý nghĩa. Giai điệu tự hào được làm lại từ phiên bản Tài sản quốc gia của Nga có lẽ phải hướng đến được sự tự hào bất biến và trong sáng ấy, mới mong có được ý nghĩa giáo dục mà vị đạo diễn của nhiều chương trình Quốc Trung mong muốn.