Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Để đảm bảo an toàn cho thí sinh, Bộ GD&ĐT quyết định chia kỳ thi làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 8-10/8. Đợt 2 sau đó cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam, thành phố Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) và các thí sinh thuộc diện F1, F2 trên cả nước.
Có mặt từ sớm tại điểm thi trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), thí sinh Lương Hoài Linh (học sinh trường THPT Quang Trung) thoải mái tinh thần bước vào phòng thi. Đề thi Ngữ văn và Toán khá dễ, phần lớn đều là câu hỏi trong sách giáo khoa và chương trình ôn tập nên em tự tin đạt điểm cao từ 7 đến 9 điểm. Hai môn thi đầu hoàn thành bài tốt nên Linh phần nào giảm bớt căng thẳng trước khi bước vào môn thi tiếp theo.
Linh dự định lựa chọn khối D vào Đại học Hà Nội và khối B xét tuyển vào Đại học Dược, do đó bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên trong sáng nay quyết định rất lớn tới nguyện vọng xét tuyển của em.
Thí sinh Lê Ngọc Thảo Ly, học sinh trường THPT Láng Hạ, Hà Nội vui vẻ chào tạm biệt mẹ để bước vào khu vực thi. Ly lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội vì nguyện vọng xét tuyển chính của nữ sinh là được vào Đại học Luật.
Ngày hôm qua em hoàn thành được khoảng 80% môn Toán và Ngữ văn, nếu có thêm thời gian em tin mình sẽ viết bài sâu hơn. Dù có chút tiếc nuối về bài thi nhưng Thảo Ly tin chắc bản thân sẽ được khoảng từ 8 điểm/môn trở lên, đủ điểm đỗ vào trường đại học mình mong muốn.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. (Ảnh: H.C) |
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ năm 2015 đến 2019 có hai mục đích, vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đề thi vì thế khó hơn, có sự phân hóa cao hơn.
Tuy nhiên, năm 2020, kỳ thi được xác định chỉ mang mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh sau 12 năm học, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ thực hiện. Vì thế, để phù hợp với mục đích này, kỳ thi được đổi tên thành tốt nghiệp THPT. Đề thi cũng được điều chỉnh giảm độ khó so với các năm trước. Đây là điểm mới thứ nhất, mang tính quyết định cho các đổi mới khác của kỳ thi.
Điểm mới thứ hai là thí sinh sẽ không được đăng ký cả hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như các năm trước mà chỉ được chọn một trong hai bài thi tổ hợp này.
Điểm mới thứ ba là việc tổ chức, quản lý kỳ thi được giao cho các địa phương, từ khâu sao in, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi. Bộ GD&ĐT không trực tiếp tổ chức thi như trước đây nhưng vẫn chịu trách nhiệm chỉ đạo thi, ra đề thi, chuẩn bị phần mềm thi...
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, ngày 9/8, các thí sinh hoàn thành 2 bài thi môn Ngữ văn và Toán trong ngày. Tại buổi thi môn Ngữ văn, tổng số thí sinh dự thi là 852.859/885.121 thí sinh đăng ký, chiếm tỷ lệ 96,35%. Có 1 thí sinh bị khiển trách và 9 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi.
Tại buổi thi môn Toán, tổng số thí sinh dự thi là 867.184/896.044 thí sinh đăng ký, chiếm tỷ lệ 96,78%. Có 4 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.
Hiện số thí sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 không thể dự thi là 26.308 tại 23 tỉnh/thành phố, chiếm tỷ lệ 2,92% tổng số thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc.