Mới đây, vào khoảng 11h30 sáng ngày 5/11 theo giờ địa phương, Devin Patrick Kelley (26 tuổi), từng phục vụ trong Không quân Mỹ, dùng súng trường tấn công nhà thờ First Baptist ở vùng Sutherland Springs (bang Texas) làm ít nhất 26 người thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương.
Đây là vụ xả súng thứ 2 ở Mỹ kể từ đầu tháng 11 tới nay. Trước đó, một vụ xả súng xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 2/11 theo giờ địa phương tại một siêu thị Walmart ở bang Colorado, Mỹ. Vụ xả súng này đã khiến 2 người chết và 1 người bị thương.
Theo The Sun, liên quan đến những sự kiện "nóng" dư luận Mỹ trong những ngày qua, tiến sĩ Wayne Petherick, phó giáo sư ngành tội phạm học tại ĐH Bond ở Gold Coast, Australia, từng đưa ra cảnh báo nguy cơ xả súng tiếp diễn sau vụ xả súng đẫm máu ở Las Vegas, Mỹ tăng cao do hiệu ứng lan truyền.
Cụ thể, vụ xả súng ở Las Vegas tối ngày 1/10 do Stephen Paddock, 64 tuổi, thực hiện đã khiến ít nhất 59 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương. Đây được coi là vụ xả súng đẫm máu nhất lịch sử hiện đại ở Mỹ.
|
Hiện trường vụ xả súng ở nhà thờ First Baptist khiến ít nhất 26 người thiệt mạng. Ảnh: AP. |
"Nếu bạn muốn nổi tiếng và nhìn thấy tên của nghi can vụ xả súng ở Mỹ được nhắc nhiều lần trên mọi tờ báo ở gần như mọi đất nước, bạn nhìn thấy đây là cách để ghi tên vào lịch sử", tiến sĩ Wayne Petherick cho hay.
Theo tiến sĩ Wayne Petherick, hiệu ứng lan truyền này xảy ra ở các vụ xả súng tại trường học và nơi làm việc. Theo kết quả nghiên cứu, trong khoảng 6 vụ xả súng thì có 1 vụ xảy ra do hiệu ứng lan truyền.
>> Mời quý vị độc giả xem video nghi phạm khủng bố New York cầm súng lao ra khỏi xe trước khi bị bắt (nguồn: CNN):
"Nghiên cứu về vấn đề khá rõ ràng và những sự kiện loại này thật sự kéo theo các sự kiện khác", tiến sĩ Petherick nhận định.
Để giảm thiểu tối đa tác động của hiệu ứng lan truyền, giới truyền thông được khuyến cáo tránh đưa tin với tần suất dày đặc về các vụ xả súng cũng như nhấn mạnh hậu quả của vụ việc.