Khoảng những năm 2000, chất thải công nghiệp độc hại phát sinh ngày càng nhiều cả về số lượng và chủng loại, tính độc hại ngày càng nguy hiểm. Là người làm về môi trường, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trăn trở muốn tạo ra một loại lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại. Đây sẽ là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở nước ta do chính người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành, đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
|
Ở tuổi ngoài 80, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng vẫn bắt tay thiết kế lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên của Việt Nam. |
Giấc mơ cháy bỏng nên ở tuổi ngoài 80, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực môi trường vẫn quyết tâm đăng ký với Bộ Khoa học - Công nghệ thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại phù hợp với điều kiện của nước ta”. Đề tài được duyệt với mức kinh phí chỉ vẻn vẹn 700 triệu đồng.
Khi bắt tay thực hiện cũng là lúc khó khăn dồn dập đến bởi thời ấy (năm 2003-2004) chất thải nguy hại và lò đốt chất thải còn quá mới mẻ ở nước ta, ngay cả tài liệu cũng không có nhiều chứ chưa nói gì đến ngoài thực tế. Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ… đã có sản phẩm và đưa ra thị trường, nhưng về công nghệ, làm sao họ có thể chia sẻ. Đấy là chưa kể linh kiện, thiết bị nhiều thứ không có ở Việt Nam.
Để thực hiện GS. TSKH. Phạm Ngọc Đăng và các đồng nghiệp đến từ trường Đại học Xây dựng là PGS.TS. Vũ Công Hòe, và PGS.TS. Nguyễn Bá Toại, PGS.TS. Bùi Sỹ Lý… đã phải ngày đêm bàn bạc cùng nhau xây dựng sơ đồ nguyên lý hoạt động của lò đốt, tính toán thiết kế chế độ nhiệt của lò đốt, tính toán khả năng xử lý khí thải để đạt được các tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
Ngoài khó khăn về kỹ thuật, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng và các cộng sự còn gặp khó khăn về tài chính. Nhiều linh kiện để lắp đặt máy Việt Nam không có, phải tìm mua ở nước ngoài. Điều này là rất khó bởi kinh phí chỉ gói gọn trong 700 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ làm trên “lý thuyết”, trong khi các nhà khoa học muốn đưa sản phẩm vào cuộc sống.
May mắn, các nhà khoa học nhận được sự ủng hộ của Kỹ sư Chử Văn Chừng - Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội). URENCO sau đó đã đồng ý đầu tư vốn để chế tạo và xây dựng lò đốt này tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
|
Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại của các nhà khoa học Việt có giá thành rẻ. |
Vượt qua khó khăn, lò đốt chất thải nguy hại của các nhà khoa học Việt đã được hoàn thiện với tên gọi CEETIA -150 (CEETIA là tên còn 150 là công suất 150 kg chất thải/giờ). Lò được thiết kế chế tạo dựa trên nguyên lý đốt chất thải công nghiệp nguy hại ở 2 buồng đốt.
Buồng đốt sơ cấp với nhiệt độ khoảng 700 độ, dùng để đốt chất thải công nghiệp nguy hại biến chúng thành hơi khí. Buồng đốt thứ cấp dùng để đốt phần hơi khí thải phát sinh từ buồng đốt sơ cấp với nhiệt độ trên 1.000 độ để biến tất cả các hơi khí độc hại này trở thành khí trơ không độc hại.
Từ khi lò đốt được đưa vào hoạt động đến nay, Công ty URENCO Hà Nội đã liên tục nhận xử lý các chất thải công nghiệp nguy hại của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Đây thực sự là một thành công lớn vào thời điểm đó, thậm chí là đến cả ngày hôm nay.
Thành công đầu tiên của sản phẩm là tạo ra được một lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở nước ta do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành, đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Thành công nữa là về giá thành. Thời đó, lò đốt của các nhà khoa học tự thiết kế, chế tạo, lắp đặt đến vận hành có giá khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi sản phẩm có công suất và chất lượng tương đương nhập ngoại có giá khoảng 10 tỷ đồng.
Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ KH-CN&cấp Bằng độc quyền sáng chế số 5710 vào năm 2006.
Mời độc giả xem video:Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa. Nguồn: VTV Travel - Du Lịch Cùng VTV.