GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi thành tài nhờ tự học

Google News

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng gắn liền với hình ảnh giáo sư biết tuốt với vốn kiến thức sâu rộng. Nhưng ít ai biết, thành công của ông không hề trải hoa hồng, đó là sự nỗ lực và tự học không ngừng nghỉ.
 
 

Tôi “ôm” cả lý thuyết lẫn thực hành
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng tốt nghiệp đại học khi vừa tròn 18 tuổi và trở thành người tốt nghiệp đại học trẻ tuổi nhất ở Việt Nam.
Vì còn trẻ, dáng người lại “bé nhỏ”, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng được giữ lại trường nhưng phân công về dạy tại Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Ông dạy các môn về sinh học cho học sinh khóa 3. Khi đó phần lớn học sinh là cán bộ đi học, trong đó có cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ và cựu bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, Nguyễn An Vinh.
GS.TS.NGND Nguyen Lan Dung: Toi thanh tai nho tu hoc
 GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho biết, ông thành tài nhờ tự học.
Sau 1 năm, ông được triệu về trường Đại học Sư phạm Khoa học, bắt đầu cuộc chiến mới và gian nan khi dạy môn Vi sinh vật học. Lúc ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Lân Dũng rất hoang mang, bởi chưa bao giờ học vi sinh vật, lấy gì để dạy. Các thầy bảo ông: “Cho một năm để chuẩn bị, không được cãi”.
Trong một năm ấy, ông sang Trường Đại học Y học ké hai môn Vi trùng học và Sinh hóa học. Nhưng, ông phát hiện, những thứ ông học được không thấm vào đâu. Hơn nữa, vi trùng chỉ là một nhóm rất nhỏ trong thế giới vi sinh vật.
Trong lúc hoang mang, ông đến gặp GS. Đặng Văn Ngữ và nhận được lời khuyên: Thứ nhất phải học ngoại ngữ để có kiến thức. Thứ hai, phải kết hợp cả giảng dạy và làm nghiên cứu để đào tạo ra các cán bộ nghiên cứu khoa học. Thứ ba, phải viết sách giáo khoa vì sinh viên tham khảo trên sách là chính.
Tâm niệm ba điều đó, GS. Nguyễn Lân Dũng về kiếm ngay 2 cuốn sách về vi sinh vật học của Nga (GS.Fedorov) và Trung Quốc (GS.Trần Hoa Quỳ). Lúc bấy giờ, cả hai ngoại ngữ này ông chỉ biết rất ít. Ông đặt quyết tâm, vừa tra vừa đoán để trong một năm phải dịch xong.
Đây chính là hai cuốn sách sinh vật học đầu tiên của Việt Nam được ông dùng để giảng dạy cho sinh viên của trường Đại học Tổng hợp. “Đúng nghĩa là tay không bắt giặc. Một mình tôi dạy cả lý thuyết lẫn thực hành”.
Hành trình tự học của GS. Nguyễn Lân Dũng còn kéo dài nhiều năm sau đó. Dù không đi học Liên Xô như phần lớn các giảng viên khác, ông may mắn được thực tập ngắn hạn nhiều nơi trên thế giới. Điều này cũng giúp kiến thức và ngoại ngữ được nâng cao. 
Kỷ niệm lớn nhất của ông là thời gian sang Thẩm Dương, Liêu Ninh (Trung Quốc) làm nghiên cứu một năm tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc với đề tài Nghiên cứu biến động khu hệ vi sinh vật đất trồng lúa.
Ông nhớ lại: “Ngày nào, tôi cũng mang một cái thùng tôn không đáy ra ruộng, chụp xuống một khóm lúa, tát hết nước và thò tay bốc một cụm đất đem về phòng thí nghiệm để đếm số lượng từng nhóm vi sinh vật trong mẫu đất đó. Công việc thật vất vả nhưng học được biết bao nhiêu phương pháp".
Ông kể, hiện giờ, cùng biển kiến thức ông tự học hàng ngày, hàng giờ, ông đã sử dụng được cả 4 ngoại ngữ gồm Anh, Pháp, Nga, Trung. Ông học ngoại ngữ theo cách: học từ vựng tối thiểu, từ đó mở rộng vốn từ ra dần. Ông là tác giả cuốn Từ vựng tiếng Anh tối thiểu đã tái bản nhiều lần và sắp in cuốn Từ vựng tiếng Pháp tối thiểu.
Lấy nghiên cứu khoa học làm đầu
GS. Nguyễn Lân Dũng cho biết, không chỉ giảng dạy, ngay từ khi 19, 20 tuổi ông đã đặt mục tiêu phải nghiên cứu khoa học.  
Ông là người xin hiệu trưởng Ngụy Như Kontum cho thành lập Phòng nghiên cứu chuyên đề Vi sinh vật học với khoảng 10 bạn trẻ được giữ lại trường. Phòng nghiên cứu này nhiều năm liền đạt danh hiệu Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa.
Khi ông tập hợp được 20 cán bộ, nhiều bạn từ nước ngoài về, ông lên gặp Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ xin thành lập Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng.
"Chúng tôi thành công với đơn vị nghiên cứu này, đưa nhiều tiến bộ khoa học vào áp dụng trong đời sống thực tiễn, nhất là phục vụ chiến trường. Chiến dịch Đường Chín Nam Lào, tôi và đồng nghiệp tích cực trong việc sản xuất dịch kháng sinh tại chỗ cứu chữa thương binh bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Ps.aeruginosa), một loại vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc khi đó", GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Sau này, Trung tâm được nâng cấp dần lên thành Viện Vi sinh học và Công nghệ sinh học cấp Quốc gia. Viện hiện trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và với một Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật cấp Quốc gia VTCC.
Nhờ giảng dạy kết hợp với nghiên cứu khoa học, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã có những đóng góp đáng kể cho cả sự nghiệp giáo dục và khoa học nước nhà. Đó là 200 cuốn sách và các công trình khoa học được công bố trong và ngoài nước, đào tạo nhiều thế hệ các học trò tài năng cho đất nước. Đó còn là hành trình ông đi dọc đất nước Việt Nam đem những kiến thức tự học, tự tích lũy để giúp người dân Việt Nam. 
Mỗi năm một cuốn sách
Một công việc mà GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng theo đuổi song hành việc nghiên cứu và giảng dạy là viết sách. Những năm gần đây, năm nào ông cũng có sách xuất bản. Loại sách đầu tiên ông viết là giáo trình. Ông quan niệm, dạy đại học phải có giáo trình.
GS.TS.NGND Nguyen Lan Dung: Toi thanh tai nho tu hoc-Hinh-2
GS. TS. NGND Nguyễn Lân Dũng bên cuốn sách Câu chuyện từ trái tim của con trai ông, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu. 
Thứ hai là sách phổ biến kiến thức. Ông ra mắt hàng loạt cuốn sách có giá trị như: hỏi đáp mọi chuyện (3 tập), Con hỏi bố mẹ trả lời (3 tập), hỏi gì đáp nấy (21 tập) và đang in tập Hỏi đáp về nông nghiệp....
Hiện ở tuổi 84, ông vẫn miệt mài viết. Ông đã viết xong cuốn ký sự “Sống giữa cuộc đời này”. Ngoài ra, ông đang soạn Từ điển Công nghệ sinh học Anh-Việt, một công trình dày khoảng 2.000 trang mà ông đã hoàn thành được trên 1.000 trang.

Mời độc giả xem video: Những vườn hoa quả lạ mắt. Nguồn: Tin Tức VTV24.


Lan Hoa

>> xem thêm

Bình luận(0)