Những ngày qua, dư luận thế giới không khỏi xôn xao trước tuyên bố gây tranh cãi của quan chức đứng đầu khu vực y tế bang Assam (Ấn Độ), ông Himanta Biswa Sarma. Cụ thể, ông Sarma tuyên bố con người mắc ung thư do từng làm điều sai trái.
Vị quan chức đứng đầu khu vực y tế bang Assam đã trình bày quan điểm điểm theo cách tiếp cận nhân - quả. Ông Sarma cho rằng, con người chịu nghiệp là do hành động trong kiếp này hay kiếp trước, thậm chí là hành động của bố, mẹ họ.
Trước tuyên bố gây tranh cãi này, nhiều người cho rằng, phát biểu của ông Sarma không dựa trên cơ sở khoa học. Tuyên bố của vị quan chức Ấn Độ này còn được cho là khiến bệnh nhân mắc ung thư phải chịu đựng nỗi đau đớn hơn.
Trên thực tế, kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra nguyên nhân của bệnh ung thư thường là do di truyền hoặc hậu quả của lối sống không lành mạnh.
|
Theo các chuyên gia, lỗi sao chép mã di truyền gene (ADN) là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Ảnh: Reuters. |
Theo Hopkinsmedicine, Tiến sĩ Cristian Tomasetti thuộc ĐH Johns Hopkins (Mỹ), ngoài những nguyên nhân ung thư trên, ngay cả những người có lối sống khoa học, lành mạnh vẫn mắc căn bệnh ung thư nguy hiểm do lỗi sao chép mã di truyền gene (ADN).
Kết quả này của Tiến sĩ Tomasetti và nhóm nghiên cứu sau khi công bố nhận được sự chú ý lớn của dư luận. Bởi lẽ, theo kết quả nghiên cứu này, 2/3 các trường hợp mắc các bệnh ung thư là do lỗi trong quá trình mã hóa gene (ADN) khi phân tách tế bào. Theo đó, những người mắc bệnh ung thư thường có từ 2 hay nhiều hơn gen bị đột biến (bị sao chép lỗi).
Mời quý độc giả xem video: Để ung thư không phải là dấu chấm hết (nguồn: VTC1):
Tiến sĩ Tomasetti cho biết hay có tới 66% đột biến ung thư là do lỗi sao chép, 29% là do lối sống và chỉ 5% là do di truyền gen lỗi.
“Có thể nói là sự may rủi trong quá trình phân tích mã di truyền gen ở mỗi người. Chúng ta đều biết rằng vẫn cần phải tránh các yếu tố môi trường nguy cơ gây ung thư như hút thuốc lá. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, mỗi lần tế bào phân chia thành 2 tế bào mới có thể mắc phải nhiều sai lầm. Nó giống như việc đánh máy. Bạn có thể giảm các lỗi đánh máy nếu bạn tập trung hoặc bàn phím không bị thiếu phím nào. Tuy nhiên, lỗi đánh máy vẫn có thể xảy ra vì không ai có thể làm một cách hoàn hảo. Tương tự, đột biến có thể xảy ra cho dù môi trường của bạn như thế nào. Nhưng bạn có thể giảm thiểu những đột biến trên bằng cách hạn chế tiếp xúc với những chất độc hại và lối sống không lành mạnh", Tiến sĩ Tomasetti cho hay.