Báo Tri thức và Cuộc sống trân trọng giới thiệu tham luận “Sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng” của TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch, Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9.
|
TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch, Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS. |
Hôm nay, tại diễn đàn Hội nghị này, Tôi thật vinh dự được thay mặt Viện Công nghệ GFS – thành viên của VUSTA, đồng thời là thành viên của Tập đoàn GFS trình bày đề tài: “Sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng”, Đây là đề tài mang tính thời sự và khoa học, đang là nhu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường và nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân lao động trong cả nước, đó là:
1. Theo báo cáo dự kiến tới năm 2021 sẽ có thêm nhiều dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động, tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm và phát sinh khoảng 20,5 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Hiện nay, tro xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện than được tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, làm bê tông và làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Để xử lý hàng triệu tấn xỉ thải đang gây ô nhiễm môi trường tại các Trung tâm nhiệt điện thành vật liệu, cấu kiện tiền chế chất lượng cao, cách âm, cách nhiệt phục vụ xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi; đặc biệt các công trình cần bền vững trong môi trường biển.
2. Làm thế nào để có thể thay thế nhiều triệu mét sàn, nhà chung cư cũ đã xuống cấp tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, sao cho đảm bảo chất lượng, mỹ thuật tốt, giá thành cạnh tranh, tiến độ thi công nhanh và đặc biệt không gây ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn trong nội đô; đảm bảo hài hòa, đồng thuận được lợi ích các thành phần trong xã hội, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại.
3. Làm thế nào để đáp ứng nhiều triệu mét sàn, nhà ở cho người công nhân tại các khu công nghiệp trong cả nước, nhu cầu này đặc biệt bức thiết không chỉ khi cần áp dụng chính sách “ba tại chỗ” tại các khu công nghiệp trong tình hình đại dịch COVID đã và đang diễn ra hiện nay. Nhu cầu này đòi hỏi:
Thứ nhất: Đảm bảo hạ tầng, các tiện ích cần thiết, tối thiểu để người lao động yên tâm làm việc: Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, y tế, siêu thị, thư viện, sân thể thao… như mô hình 50 khu thiết chế công đoàn đang chuẩn bị tiến hành thí điểm tại các tỉnh thành theo QĐ số 1729 ngày 04/11/2020 của TTCP về việc sửa đổi bổ sung QĐ số 655 phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế suât”.
Thứ hai: Chất lượng và mỹ thuật công trình được nâng cao, thay đổi mặc định nhà ở công nhân, nhà ở xã hội là chất lượng thấp.
Thứ ba: Giá thành cạnh tranh để đảm bảo phù hợp với sức mua, sức thuê của người lao động.
Kính thưa Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cùng toàn thể Hội nghị,
Để đạt 3 mục tiêu nêu trên về giải pháp kinh tế - kỹ thuật cần dựa trên hai cơ sở vững chắc:
Cơ sở thứ nhất: Là Khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng - Tiền chế: Tích hợp liên tục tiến bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước, bao gồm
Khoa học công nghệ: Vật liệu, kết cấu, nền móng, số hoá và giải pháp phần mềm IT trong xử lý thiết kế và quản lý, điều hành.
Hiện nay, Viện Công nghệ GFS thuộc Tập đoàn GFS đã sở hữu trên 40 phát minh sáng chế và liên tục tích hợp các thành tưu khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Với tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng nói chung và công nghệ tiền chế nói riêng, có thể tiết giảm giá thành từ 10-20% chi phí xây dựng. Thế giới hiện đã có những bước tiến xa trong xây dựng nhà tiền chế:
1. Một toà nhà 10 tầng tại Trung Quốc có thể được lắp ráp hoàn thiện trong 28 giờ.
2. Một tòa nhà khách sạn Marriott tại New York 26 tầng được sản xuất tại Ba Lan và lắp ráp trong 90 ngày.
Cơ sở thứ hai: Cấu kiện tiền chế được sản xuất hàng loạt lớn theo quy mô công nghiệp. Các cấu kiện điển hình có tính lắp lẫn cao được sản xuất với quy mô công nghiệp lớn, là cơ sở cho số hóa, tự động hóa trong công nghiệp xây dựng, giảm dần tỷ trọng lao động thủ công trong xây dựng:
Một doanh nghiệp có sản lượng dưới 500 ngàn m2 sàn XD trong một năm chưa phát huy được sức mạnh của Công nghiệp hoá xây dựng nhưng một doanh nghiệp có sản lượng trên một triệu m2 sàn XD trong 1 năm bắt đầu phát huy sức mạnh của Công nghiệp hoá, sản xuất hàng loạt. Yếu tố sản lượng lớn có thể tiết giảm 10-20% giá thành xây dựng. Vai trò đơn hàng xây dựng lớn là bà đỡ quan trọng cho giảm giá thành xây dựng.
Thực tế đã chứng minh, việc phát huy nội lực của đất nước vô cùng quan trọng. Một bài học trong lĩnh vực nông nghiệp đã cho thấy năm 1988 khi cả nước phải nhập khẩu lương thực, việc Khoán 10 được áp dụng và đã đưa người dân tới đủ ăn, nhưng đến nay Việt Nam trở thành cường quốc thứ 2 về xuất khẩu lúa gạo.
Vậy trong công nghiệp xây dựng tiền chế, xuất phát từ thế mạnh khoa học công nghệ dẫn tới giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, hấp dẫn, khả thi của bài toán đầu tư, từ đó có sức hút lớn về vốn, tạo sức mạnh và quy mô của đơn hàng, và tạo chuỗi vòng quay tích cực, khép kín trong quá trình đầu tư. Đơn hàng lớn lại là tiền đề để giảm giá thành sản xuất, xây dựng tiền chế. Như vậy, Khoa học công nghệ và sản xuất hàng loạt lớn là hai yếu tố đẩy mạnh phát triển xây dựng tiền chế theo vòng xoáy tăng dần.
Kính thưa Đồng chí Thủ tướng Chính phủ và toàn thể Hội nghị,
Đây là một đề tài lớn, được Tập đoàn GFS triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hài hòa với nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, và đặc biệt là phù hợp với sức mua, sức thuê của người lao động:
1. Về khoa học công nghệ:
Viện Công nghệ GFS đã và đang hợp tác với VUSTA và các Hội, Viện thành viên của VUSTA; Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ, … đồng thời cập nhật thường xuyên với các tổ chức khoa học kỹ thuật xây dựng quốc tế để đưa sản phẩm có sức cạnh tranh cao, khắc phục các hạn chế còn tồn tại.
2. Về nhu cầu đơn hàng:
2.1. Tranh thủ cao nhất các nhu cầu đầu tư, nhu cầu sử dụng của các địa phương. Đặc biệt xây dựng cải tạo lại chung cư cũ tại thủ đô HN.
2.2. Tham gia đấu thầu các dự án thiết chế Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm CĐT để triển khai các khu Thiết chế công đoàn tại các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Khánh Hòa,…
3. Áp dụng giải pháp công nghệ của nền kinh tế số để cùng hợp tác, chia sẻ thông tin, công nghệ, cơ hội đầu tư theo chuỗi đầu vào – đầu ra của các doanh nghiệp liên quan bao gồm:
- Phân công, hợp tác chuyên môn hoá để các Nhà thầu tập trung thi công với công nghệ phù hợp nhất có thể,: Tập đoàn Xây dựng Delta, Tổng Công ty CP Công trình Viettel, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings...
- Hợp tác với các doanh nghiệp sử dụng lao động: LG, Foxconn,…
- Hợp tác với các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước. Đây sẽ là vòng quay đầu tư nhiều tỷ USD.
- Hợp tác chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ cho người lao động: Siêu thị, đào tạo giáo dục, chăm sóc sức khỏe,…
- Hài hòa và phù hợp với sức mua, sức thuê của người lao động, đảm bảo nâng cao điều kiện sinh hoạt, học tập, nâng cao thể lực, trình độ, văn hoá, tinh thần cho người lao động.
Để hài hòa, xử lý đầu tư của nhiều thành phần, doanh nghiệp nêu trên cần có giải pháp phần mềm, số hoá đủ mạnh, đủ thông minh, đảm bảo quá trình vận hành nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả cho mọi thành phần tham gia.
Tôi xin đề xuất một số kiến nghị với Đồng chí Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Về xử lý tro, xỉ thải: Theo như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đưa ra cảnh báo: "Tro xỉ nếu không được sử dụng, dự kiến đến 2030, chúng ta sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn đọng. Đấy là con số khủng khiếp và tại sao tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than chưa được sử dụng nhiều, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là: chúng ta vẫn chưa đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm được vấn đề này.
Mặc dù vấn đề tro xỉ nhiệt điện than hiện nay rất nóng, nhưng việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ của các cơ quan chức năng còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, cả người sản xuất cũng như người sử dụng đều gặp vướng mắc”. Về lâu dài phải giải quyết được vấn đề chất lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than, có thể sử dụng tốt cho sản xuất vật liệu xây dựng. Kính đề nghị Chính phủ có những chính sách và giải pháp thiết thực, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đầu tư xử lý tro, xỉ thải, sản xuất cấu kiện xây dựng tiền chế, vì đây là vấn đề môi trường cấp thiết phải được xử lý nhanh, đồng thời việc cấp đất cho DN cần nhanh và hiệu quả hơn vì hiện nay theo quy trình còn rất chậm.
2. Đối với khu thiết chết công đoàn: Cần quy định rõ hơn về quỹ đất thương mại 20% để nhà đầu tư được sử dụng xây dựng nhà ở Thương mại: phương pháp tính toán cần rõ ràng 20% trên tổng diện tích đất xây dựng nhà ở (tuy nhiên trên văn bản không định nghĩa thế nào là "tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở" trong thực tiễn đã nhiều địa phương có văn bản hỏi bộ xây dựng về nội dung này nhưng chưa được giải quyết triệt để) .29
3. Về quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các khu Dự án nhà ở thương mại.
Chính phủ cần xem xét lại các quy định về quỹ đất , khu vực làm nhà xãhội tại nghị định 49/ 2021/ NĐ - CP ngày 01/4/2021 ví dụ : dự án trong khu đô thị loại đặc biệt, loại 1, quy định dự án từ 2 ha trở lên phải dành 20% quỹ đất để làm nhà XH ngay trong khu dự án là không hợp lý (trước đây đóng bằng tiền)
Đề xuất: Do tính chất của nhà Xã hội khác với tính chất của nhà thương mại vì vậy cần phải quy hoạch riêng biệt mới hợp lý, vì các lẽ sau:
- Quy hoạch đô thị theo phân khúc thị trường, có thu nhập khác nhau thì ở những khu vực khác nhau phù hợp với thu nhập của họ.
- Nhà ở XH nên xây khu riêng sẽ giảm được chi phí hạ tầng cho nhà đầu tư và người lao động. Đồng thời giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong kế hoạch 5 năm và hàng năm.
4. Về chính sách tài chính: Tại Nghị định 49 đang quy định mức lãi suất vay vốn mua nhà không cao hơn 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại. Tôi xin đề suất bổ sung chính sách huy động vốn dài hạn cho hoạt động phục vụ đầu tư xây dựng cho người mua nhà ở xã hộii, công nhân mua nhà tại các khu thiết chế công đoàn không vượt quá 40% lãi suất cho vay bình quân của các NHTM bởi công nhân có thu nhập thất và hoàn cảnh khó khăn.
>>> Mời quý độc giả theo dõi video: TS Nguyễn Hồng Hạnh trình bày tham luận tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do VUSTA tổ chức ngày 15/9