Quá trình hình thành tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ tri thức KH&CN Việt Nam

Google News

Từ xa xưa ông cha ta đã rất coi trọng vai trò của tri thức vì có địa vị ưu tiên đặc biệt trong xã hội, do đó mới có câu "Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương" và "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Đến thời đại Hồ Chí Minh, vai trò của trí thức, của đội ngũ trí thức lại càng được khẳng định. Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ đều ghi nhận và đánh giá cao các đóng góp của đội ngũ trí thức. Điều 2 Hiến pháp 2013 đã quy định “quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
Như vậy, đội ngũ trí thức là một thành tố quan trọng không thể thiếu trong khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức để xây dựng lên nền tảng của quyền lực Nhà nước. Dù được đánh giá cao, nhưng để được công nhận là tổ chức chính trị - xã hội thì Liên hiệp Hội Việt Nam phải trải qua một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Đó là:
- Nhiệm kỳ đầu tiên, giai đoạn 1983-1988. Đây là thời điểm nước ta chuẩn bị và thực hiện “Đổi mới” đất nước từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để “Đổi mới” thành công, Đảng và Nhà nước xác định cần có đội ngũ trí thức KH&KT vào cuộc một cách có tổ chức và LHHVN đã ra đời vào năm 1983. Khi mới thành lập, LHHVN được xác định “là tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện của tất cả các hội KH&KT của người Việt Nam ở trong và ngoài nước” (Điều lệ khóa I, nhiệm kỳ 1983-1988).
Qua trinh hinh thanh to chuc chinh tri - xa hoi cua doi ngu tri thuc KH&CN Viet Nam?
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA chủ trì Hội thảo "Đội ngũ trí thức Khoa học Công nghệ chung tay đẩy lùi COVID-19".
- Bước sang khóa II, nhiệm kỳ 1988-1993, là giai đoạn phục vụ cho sự nghiệp ổn định và phát triển KT-XH của đất nước, thực hiện 3 Chương trình kinh tế trọng điểm (Lương thực – Thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu). Trước tình hình và nhiệm vụ mới, LHHVN tiếp tục được củng cố tổ chức và đổi mới hoạt động, tiếp tục được Đảng xác định “là tổ chức xã hội tự nguyện của tất cả các hội KH&KT của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước’’, có điểm mới về cơ chế để vận hành bộ máy là: “Liên hiệp hội có hệ thống tổ chức từ TW đến tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc TW”, “được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp TW, có biên chế độc lập, có tài chính riêng, có cơ quan ngôn luận và nhà xuất bản riêng”.
Nhiệm vụ chính của LHHVN là phổ cập chủ trương, chính sách KH&KT, triển khai ứng dụng và đưa nhanh tiến bộ KH&KT vào sản xuất và đời sống... (Chỉ thị số 35-TB/TW ngày 11/4/1988 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VI). Sau 10 năm hoạt động và phát triển, LHHVN được Ban Bí thư TW Đảng (khóa VII) đánh giá có vị trí và vai trò rất quan trọng trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (Thông báo số 37-TB/TW ngày 20/11/1992 của Ban Bí thư TW Đảng khóa VII).
- Đại hội khóa III, nhiệm kỳ 1993-1999 của LHHVN diễn ra sau hai năm rưỡi mà toàn Đảng, toàn dân ta đã phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội VII của Đảng đưa công cuộc đổi mới đất nước tiến lên với tốc độ nhanh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, thời gian này đất nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, Ban Bí thư đã chỉ đạo Đại hội III của LHHVN phải đề cao mục tiêu đoàn kết rộng rãi trí thức, động viên đội ngũ này đem công sức và trí tuệ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, đưa đất nước đi lên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (Thông báo số 52-TB/TW ngày 31/8/1993).
Ban Bí thư đã khẳng định LHHVN là “một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam” với chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của đất nước (Thông báo số 52- TB/TW ngày 31/8/1993 ý kiến của Ban Bí thư về Đại hội lần thứ III của LHHVN). Đây là dấu mốc quan trọng mở đầu trang mới của LHHVN được chuyển sang hoạt động như một tổ chức “Chính trị - Xã hội”.
- Chuyển sang khóa IV, nhiệm kỳ 1999-2004, trong bối cảnh nước ta trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, “để có thể đóng góp thiết thực vào việc đào tạo, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, tư vấn, phổ biến kiến thức KH&KT, dịch vụ KH&CN, nhằm phục vụ cho công cuộc CNH, HĐH đất nước (Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998), LHHVN tiếp tục vận hành tổ chức bộ máy theo cơ chế của “một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH&CN Việt Nam” (Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị; Thông báo 145-TB/TW ngày 9/7/2004 của Ban Bí thư).
Đặc biệt LHHVN cần làm tốt chức năng tập hợp, đoàn kết, thống nhất đội ngũ trí thức khoa học, kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới của cách mạng (Chỉ thị số 45-CT/TW; Thông báo số 163-TB/TW ngày 21/8/1998 của Bộ Chính trị). Cũng trong giai đoạn này, nhằm thể chế hóa chức năng TV, PB&GĐXH của LHHVN, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHHVN.
- Vào cuối khóa V, nhiệm kỳ 2005-2010, Ban Bí thư đã chỉ đạo: “Trong thời gian tới, vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng quan trọng. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng, củng cố LHHVN từ TW tới địa phương thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam” (Thông báo số 278-TB/TW ngày 24/10/2009 của Ban Bí thư).
- Vào đầu khóa VI, nhiệm kỳ 2010-2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHHVN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, trong đó LHHVN được Bộ Chính trị khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ TW đến các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Chỉ thị số 42-CT/TW là văn bản pháp lý đầy đủ nhất từ trước tới nay. Theo đó, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ của LHHVN (ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015), trong đó tiếp tục khẳng định: “Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam”, “Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam có hệ thống từ TW đến các tỉnh, thành phố trực thuộc TW”.
- Tới nhiệm kỳ khóa VII, giai đoạn 2015- 2020, là giai đoạn mà đội ngũ KH&CN Việt Nam thực sự là một tổ chức chính trị - xã hội của Đảng. Vì thế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42- CT/TW, LHHVN được Ban Bí thư đánh giá đã đạt được những kết quả quan trọng, hệ thống tổ chức bộ máy từng bước được củng cố, kiện toàn; địa bàn, phạm vi hoat động ngày càng mở rộng...
Những kết quả này là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ban Bí thư ban hành Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, là căn cứ pháp lý quan trọng để LHHVN phát triển thành một tổ chức chính trị - xã hội thực sự vững mạnh trong thời đại nền kinh tế tri thức và kinh tế số.
Từ những phân tích trên cho thấy, từ khi thành lập đến nay, LHHVN cùng đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phấn đấu không biết mệt mỏi vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, vì nhân dân, để từ một tổ chức quần chúng xã hội tự nguyện đến trở thành và ngày càng khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ KH&CN Việt Nam.
Quá trình hình thành tổ chức chính trị - xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Năm 1983: Liên hiệp Hội Việt Nam thành lập. “Tổ chức quần chúng tự nguyện của tất cả các hội KH&KT của người Việt Nam trong và ngoài nước” (Điều lệ khóa I (1983-1988).
Từ năm 1988-1993: “Liên hiệp Hội Việt Nam có hệ thống tổ chức từ TW đến tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc TW được tổ chức và cơ cấu của một đoàn thể quần chúng cấp TW, có biên chế độc lập, tài chính riêng, cơ quan ngôn luận và nhà xuất bản riêng” (Chỉ thị 35/CTTW, 11/4/1988).
Từ năm 1993-1998: Ban bí thư khẳng định: “Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức Việt Nam” (Thông báo số 52-TB/TW, 31/8/1993).
Từ năm 1998-2010: “Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức KH&CN Việt Nam” (Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11/11/1998)
Từ năm 2010 đến nay: Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam có hệ thống từ TW đến tỉnh, thành phố trực thuộc TW (Chỉ thị 42-CT/TW, 16/4/2010); Quyết định số 1795/QĐ-TTg, 21/10/2015).
>>> Xem thêm video: Sớm ban hành quy chế quản lý quỹ vắc xin

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

PV

>> xem thêm

Bình luận(0)