Báo Tri thức và Cuộc sống xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của thiếu tướng, PGS-TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng, Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng tại Hội nghị Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 15/9 tới.
Từ năm 1995, VUSTA đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện Đề án tổ chức Giải thưởng Khoa học Công nghệ (VIFOTEC – nay là Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam), nhằm khuyến khích các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào lao động sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Giải thưởng đã trở thành động lực, động viên, khuyến khích các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trong cả nước hăng say đóng góp trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng của đất nước, trong đó có các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng.
Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Hoạt động nghiên cứu KH&CN được tổ chức triển khai đúng hướng, đồng bộ, thống nhất, toàn diện và có bước phát triển mới, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng. Đã góp phần từng bước bảo đảm trang bị cho quân đội, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đồng thời nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng, chủ động trong sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật khi có tình huống chiến tranh xảy ra; kết quả nghiên cứu được ứng dụng, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN ngày càng tăng, đa số được ứng trong trong thực tiễn, nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong quân đội.
|
Thiếu tướng, PGS-TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng, Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng.
|
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam trong Quân đội luôn dành được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chỉ huy các cơ quan đơn vị. Là một điểm sáng, thể hiện tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết và khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao của các nhà khoa học trong Quân đội. Trong 5 năm qua (2016 - 2020), Bộ Quốc phòng có 31 công trình đạt Giải thưởng gồm: 07 giải Nhất; 14 giải Nhì; 10 giải Ba trên các lĩnh vực như: Công nghệ Thông tin, Điện tử và Viễn thông; Cơ khí; Tự động hóa, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Vật liệu,…
Các công trình nghiên cứu trong Bộ Quốc phòng không những phát triển cả chiều rộng mà còn phát triển cả chiều sâu. Các công trình đạt giải đã được đưa vào ứng dụng thực tế, đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như công trình “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị gây nhiễu radar dải sóng 03cm” của Cục Tác chiến điện tử/Bộ Tổng Tham mưu thực hiện. Sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu sản xuất khí tài trong nước phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng tác chiến điện tử Quân đội nhân dân Việt Nam. Công trình “Nghiên cứu lắp đặt pháo 105mm và súng PKMS lên xe M548” của Cục Kỹ thuật/ Quân khu 9 thực hiện. Sản phẩm là tổ hợp xe M548 lắp đặt pháo có tính năng vượt trội như có khả năng vượt dốc đứng, vách đứng và hào rộng; sử dụng linh hoạt các góc, tầm, hướng khác nhau, có ưu thế về tính cơ động cao, phát huy được hỏa lực tốt, thời gian chuyển trạng thái nhanh, tiêu diệt mục tiêu hiệu quả. Công trình “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm phát hiện Sar-cov-2 gây dịch Covid-19 của Học viện Quân y thực hiện. Công trình đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm phát triển chủng vi-rút corona mới (SARS-CoV-2) bằng phương pháp realtime RT-PCR, có khả năng xét nghiệm nhanh, độ chính xác cao, được sử dụng tại hơn 100 cơ sở y tế trong nước và xuất khẩu sang 18 quốc gia trên thế giới. Đây là thành tựu rất quan trọng giúp Việt Nam chủ động phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh toàn cầu đang đối phó với dịch COVID-19. Công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo áo giáp chống đạn” thuộc Viện Công nghệ/ Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện. Đã chế tạo thành công áo giáp chống đạn đạt tiêu chuẩn. Nghiên cứu hoàn thành công nghệ chế tạo vật liệu gốm Al2O3 tăng bền bằng ZrO2 nano, với các hạt ZrO2 nano phân tán đồng đều trên nền Al2O3 giúp nâng cao cơ tính của vật liệu. Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đất cabin YHK của đài điều khiển tên lửa phòng không S125-2TM” của Viện Tên lửa/ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự thực hiện, lần đầu tiên thiết kế chế tạo thành công bộ thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện và đánh giá kết quả huấn luyện kíp chiến đấu cabin YHK-2TM-HL thuộc tổ hợp S125-2TM. Công trình “Nghiên cứu, cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình”do nhóm tác giả thuộc Viện Kỹ thuật Cơ giới quân sự/ Tổng cục Kỹ thuật thực hiện. Sản phẩm đã được sử dụng tại Nam Sudan phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Được phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đánh giá cao về tính tiện nghi, khả năng việt dã.
Ngoài ra còn rất nhiều công trình, giải thưởng khác có nhiều ý nghĩa thiết thực trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh. Có thể khẳng định rằng, Giải thưởng VIFOTEC được trao cho các nhà khoa học trong Quân đội, đã có sự phát triển và sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao khả năng khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, nghiên cứu thiết kế chế tạo mới trang bị kỹ thuật hiện có theo hướng nâng cao uy lực, tăng độ chính xác, tăng khả năng cơ động, tự động hóa chỉ huy, nâng cao khả năng tác chiến; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, tiếp cận với thành quả khoa học công nghệ hiện đại, làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, từng bước tự chủ về thiết kế, chế tạo vũ khí trang bị.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, quốc gia nào có chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ cao sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng đã khẳng định và nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhận thức đầy đủ về vai trò của KH&CN, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng số một để KH&CN có thể phát triển và thực hiện tốt vai trò của mình.
Với yêu cầu đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ Quốc phòng và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong Quân đội khá nặng nề. Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong Bộ Quốc phòng, tập trung vào một số nội dung sau:
Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/QUTW ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới.
Kế thừa, phát huy truyền thống và những thành tích, thành tựu đã đạt được, những bài học kinh nghiệm, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để vươn lên, để trưởng thành. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết dứt điểm từng việc, không dàn trải. Đặc biệt là các khâu đột phá trong giai đoạn tới đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai.
Quan tâm làm tốt hơn nữa việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực KH&CN cả trong và ngoài nước. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển KH&CN, thu hút nhân lực chất lượng cao và khơi thông nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học.
Chủ động, tích cực hơn trong hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu KH&CN của thế giới, nhất là những công nghệ mới, tiên tiến của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tăng cường ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu vào thực tiễn; tiếp tục phát triển kết quả nghiên cứu, phấn đầu có nhiều sản phẩm có tính đột phá và tính thực tiễn cao, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng – an ninh và kinh tế - xã hội. Động viên kịp thời các thành tích đạt được, khẳng định vị thể của các nhà khoa học, chấp nhận tính rủi to trong quá trình nghiên cứu một cách khoa học, công bằng và có luận chứng.
Phát huy những kết quả đạt được, Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đưa hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành một phong trào sâu rộng, thực chất, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh trong tình hình mới.