Theo Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), vaccine COVIVAC do viện sản xuất với mục đích phục vụ người dân trong điều kiện khẩn cấp của đại dịch COVID-19. Vì vậy, dựa trên các nguồn lực có sẵn, mức giá 60.000 đồng mỗi liều là hợp lý.
COVIVAC là vaccine toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. Vaccine này được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
IVAC có sẵn hệ thống dây chuyền công nghệ và nhà xưởng do ngân sách nhà nước và quốc tế đầu tư. Hiện công suất của IVAC đạt 6 triệu liều nhưng đến tháng 9, có thể nâng cấp lên quy mô 30 triệu liều một năm.
Đây là vaccine COVID-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng, dự kiến tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn một vào giữa tháng 3. Các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra vaccine có hiệu lực bảo vệ khá tốt.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái cũng thông tin các đánh giá hiện tại cho thấy COVIVAC có hiệu quả ngăn ngừa cả hai biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh và Nam Phi.
|
Hình ảnh vaccine COVIVAC với 3 liều khác nhau. Ảnh: Sức khỏe đời sống. |
Theo kế hoạch, IVAC phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội, thử nghiệm lâm sàng vaccine này. Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng, ứng với liều tiêm khác nhau và được thử nghiệm trên nhiều nhóm người, qua 3 giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1 mcg và 3 mcg. Hai mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Ưu điểm của loại vaccine này là nhiệt độ bảo quản 2-8 độ C, tiện hơn so với các loại khác.
Quá trình thử nghiệm được IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế theo dõi sát sao. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn một có độ tuổi từ 18 đến 59. Họ là nhóm khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác.
Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vaccine COVID-19 của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021.