Vì sao người già mất ngủ?

Google News

(Kiến Thức) - Khoảng 48% người già trên 50 tuổi bị mất ngủ. Những người già thường phàn nàn họ rất khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ. 

Họ thường thức dậy vào buổi sớm, khó khăn để tiếp tục ngủ lại, không thấy khoẻ khoắn sau giấc ngủ...
 Ảnh minh họa.
Có những giả thuyết và cơ chế sinh lý bệnh khác nhau về tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người già. Melatonin là một loại hormon thần kinh của tuyến yên và được sản xuất dưới sự kiểm soát của vùng dưới đồi. Serotonin được chuyển hoá thành melatonin thông qua hai emzym ở tế bào tuyến yên. Thông thường loại hormon này được tạo ra nhiều về ban đêm, khi mức cường độ ánh sáng giảm. Sự sản xuất loại hormon này giảm đi vào ban đêm khi tuổi ngày một cao. Điều này song song với việc giảm số lượng và chất lượng giấc ngủ. 
Hệ thống sinh học thần kinh kiểm soát nhịp sinh học trong ngày của cơ thể bao gồm cả chu kỳ thức - ngủ có thể trở nên kém hiệu quả khi người ta già đi và giảm sự thích ứng đối với những thay đổi. Vì vậy, chu kỳ ngày đêm ở những người già có thể bị ảnh hưởng và dễ dàng bị gián đoạn.
Những vấn đề rối loạn giấc ngủ, đặc biệt ví dụ như rối loạn vận động có chu kỳ, ngừng thở khi ngủ hoặc rối loạn hành vi trong khi ngủ dường như tăng lên theo tuổi, điều này làm cho người già có tỉ lệ mất ngủ tăng cao.
Tình trạng bệnh lý cơ thể, đặc biệt là liên quan đến đau mạn tính (ví dụ, bệnh viêm xương khớp) thường gặp ở người già và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đối với người già, tỷ lệ mắc các bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, suy tim, bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, phổi, đái tháo đường, sa sút trí tuệ... điều này khiến những người già thường sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau và nó có thể xảy ra tương tác hoặc tác động khác nhau đến giấc ngủ, hậu quả là thay đổi về giấc ngủ. 
Người già thường có xu hướng sử dụng nhiều loại thuốc  có thể là do bác sĩ kê đơn hoặc tự mua về dùng và những thuốc này có thể gây ra mất ngủ. Những loại thuốc gây ra mất ngủ có thể là Methyserginde, Nicotin, Scopolamine, những thuốc giảm xung huyết ở mũi, các dẫn chất của Xanthine, thuốc chống cao huyết áp, steroids, thuốc kích thích tâm thần, hormon tuyến giáp và một số chất kích thích như rượu, caffeine...
BS Trịnh Bích Huyền (Bệnh viện Bạch Mai)

Bình luận(0)