Vắc xin và trách nhiệm trước dân

Google News

Sau hai nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tiếp theo sẽ là “xe” nào, “pháo” nào, “mã” nào và “tướng” nào bị đình chỉ để phục vụ điều tra?

Bác sĩ Lê Thị Kim Phượng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hải Thuận của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa vừa bị Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đình chỉ để phục vụ cho công tác điều tra vụ 3 trẻ tử vong vì tiêm vắc xin.
 
Trước hết, phải nhìn nhận rằng, đây không phải là thủ thuật để hạ nhiệt sự giận dữ của dư luận, mà là một bước cần thiết trong quá trình điều tra nguyên nhân của vụ việc. Khi mà 3 trẻ tử vong được nhận định “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân” thì chưa ai là người được xem là “có tội”, vậy thì hãy để cho Bộ Y tế có thêm thời gian để tìm ra nguyên nhân, sau đó mới có thể xác định trách nhiệm của từng cá nhân và bộ phận.
Nhưng với bất kỳ nguyên nhân nào (trừ nguyên nhân cố ý giết người, nhưng khả năng này khó xảy ra), trách nhiệm cũng không thể chỉ riêng bác sĩ và nữ hộ sinh. 
“Bàn cờ” vắc xin Việt Nam đang trong tình trạng có những rủi ro, thí “con tốt” không thể gỡ được thế bí. Cho nên, sau hai nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tiếp theo sẽ là “xe” nào, “pháo” nào, “mã” nào và “tướng” nào bị đình chỉ để phục vụ điều tra?
Không chỉ sự cố vắc xin mang tầm quốc gia vừa xảy ra trong ngành y tế, ở nhiều ngành khác, cũng từng có những vụ việc chấn động dư luận. Nhưng hãy cứ soát xét lại, sẽ thấy rất ít vụ người đứng đầu chịu trách nhiệm.
Cần phải thống nhất một điều: Cho dù ở chức vụ nào thì người lãnh đạo cũng làm công việc phục vụ nhân dân và được nhân dân trả tiền. Nếu làm việc không tốt, gây ra nhiều sai sót, chưa kể sai phạm, thì phải chịu trách nhiệm trước nhân dân bằng một hình thức cụ thể, không nói suông. Rất tiếc, số lãnh đạo đứng ra xin từ chức hay bị cách chức khi có những sai sót, sai phạm trong ngành hoặc địa phương hoặc cơ quan của mình phụ trách quá ít, nên tính chịu trách nhiệm vẫn chỉ là một câu định tính chung chung.
Vì thế cho nên khi giữ một chức vụ lãnh đạo, không ai lo lắng mình sẽ bị mất chức theo kiểu đứt gánh giữa đường do làm việc không tốt. Phần lớn chỉ tính cách để đi tiếp trong nhiệm kỳ tới hoặc tìm một cơ hội cao hơn. Tất nhiên, trong điều kiện môi trường xã hội chưa đạt đến tiêu chuẩn cao như các nước phát triển, việc đòi hỏi một quan chức từ chức ngay lập tức vì có một sai sót nghiêm trọng xảy ra là quá nghiệt ngã và cũng khó có ai dám nhận nhiệm vụ. Nhưng, tùy theo từng trường hợp, phải có chế độ chịu trách nhiệm cá nhân thì mới có thể cải thiện được chất lượng của quản lý điều hành.
Ở các nước tiên tiến, từ các quan chức cao cấp cho đến các vị trí thấp hơn, đều có thể bị mất chức ngay lập tức khi có một sự việc gây phẫn nộ trong dư luận, cho dù việc đó không do họ trực tiếp gây ra, mà là tồn tại trong ngành, địa phương họ quản lý. Cho nên, họ làm việc hết sức, hết lòng, đôn đốc theo dõi và kiểm soát chặt chẽ công việc của thuộc cấp cũng như trong toàn hệ thống. Bởi vì đối với họ, một sai sót ở đâu đó trong lĩnh vực họ chịu trách nhiệm đều là một sự tự sát chính trị. Thử thách trên chính trường không chỉ là sự cạnh tranh của các đối thủ chính trị, mà chủ yếu là sự hoàn tất trách nhiệm và công việc trước dân chúng.
Theo Lao Động

Bình luận(0)