Tử vong do viêm gan cao hơn tai nạn giao thông

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh ung thư gan là loại ung thư phổ biến thứ hai hiện nay, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này.

Mỗi năm cả nước có khoảng 11.000 người tử vong do tai nạn giao thông, đây được xem như một thảm họa. Tuy nhiên, căn bệnh viêm gan cướp đi sinh mạng của gần 22.000 người nhưng lại đang bị xem nhẹ.
Đó là phân tích của GS.BS Phạm Hoàng Phiệ, Chủ tịch Hội Gan – Mật – Tụy, TP.HCM trong lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống viêm gan diễn ra ngày 28/7 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM. 
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Theo GS Phiệt, bệnh viêm gan tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa. Trong đó, viêm gan siêu vi C (HCV) là nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm gan, xơ gan và ung thư gan nguyên phát. 
Tuy nhiên, do người nhiễm HCV không tìm thấy nguy cơ cũng như "mù" thông tin về đường lây nên chủ quan và tìm đến sự can thiệp của y học khi ở giai đoạn đã chuyển sang mạn tính hoặc xơ gan. 
Hiện nay số mắc các bệnh lý viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C ở Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số với khoảng 10 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B và 1,4 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi C. Thêm vào đó, bệnh ung thư gan là loại ung thư phổ biến thứ hai. Ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
Theo thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 800 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm gan, đa phần bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng muộn. 
Liên quan đến vụ việc 4 trẻ tử vong sau tiêm phòng vắc xin bệnh viêm gan trong thời gian qua, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết, không riêng trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm siêu vi viêm gan mà cả những trẻ em khác cần phải được tiêm phòng. Bệnh viêm gan nếu không chủng ngừa từ nhỏ nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sẽ rất cao, bệnh thường diễn tiến âm thầm và bùng phát ở tuổi trưởng thành. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng có nguy cơ gặp phản ứng khi tiêm phòng viêm gan, nhưng đến nay chưa ghi nhận ca tử vong vì tiêm phòng viên gan ở người lớn nào.
Theo TS.BS Hùng, hiện Bảo hiểm Y tế chỉ chấp nhận thanh toán cho bệnh viêm gan B, riêng bệnh viêm gan C bảo hiểm mới chi trả cho các xét nghiệm còn chi phí điều trị bệnh nhân phải tự lo. 
Với phác đồ điều trị mỗi năm hơn 100 triệu đồng, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, có tới 90% bệnh nhân nhiễm siêu vi viêm gan C không đủ điều kiện để tiếp cận với việc điều trị hoặc phải bỏ điều trị giữa chừng vì không lo nổi kinh phí. Các bác sĩ đang mong mỏi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cân nhắc để sớm đưa bệnh viêm gan siêu vi C vào danh mục được bảo hiểm thanh toán.
TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, viêm gan siêu vi cần được xem là một trong những hiểm họa sức khỏe trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Vấn đề phòng chống bệnh viêm gan siêu vi cần nhận được sự quan tâm tích cực, mạnh mẽ hơn nữa không chỉ riêng ngành y tế, người bệnh mà còn là trách nhiệm của cộng đồng. Viêm gan siêu vi thường phòng ngừa được và có thể điều trị hoặc chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. 
Bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị khỏi bệnh nếu được phát hiện sớm. Để hỗ trợ thông tin cho cộng đồng ngày 28/7 bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã ra mắt phòng tư vấn viêm gan miễn phí đầu tiên. Phòng tư vấn dự kiến tiếp đón hơn 400 lượt bệnh nhân mỗi tháng.
Bùi Hương

Bình luận(0)