Theo tạp chí Flight Global, mẫu máy bay không người lái Trung Quốc đem sang Mỹ dự triển lãm lần này là Hồ Bắc Ewatt SVU-200 do công ty Hồ Bắc Ewatt Technology (Trung Quốc) nghiên cứu phát triển.
UAV là một lĩnh vực kinh doanh tương đối mới với Ewatt Technology. Các công ty ở Hồ Bắc, Vũ Hán có nhu cầu nhập về nhiều UAV để phục vụ việc kiểm tra, bảo đảm lưới điện trên một địa bàn rộng lớn. Việc bay thấp để kiểm tra đường dây bằng trực thăng có người lái là một bài bay nguy hiểm, nhàm chán và tốn kém. Triển vọng của các UAV là rất lớn, nhưng Ewatt không dừng lại ở đó.
Công ty được cho là đang xây dựng nhà máy sản xuất UAV lớn nhất ở Trung Quốc, với khả năng sản xuất 200 UAV/năm, và sau này có thể tăng lên 1.000 chiếc mỗi năm. UAV của Ewatt đã được sử dụng để cứu trợ thiên tai sau một trận động đất.
|
Mẫu trực thăng không người lái SVU-200.
|
Mẫu thiết kế SVU-200 được đưa tới dự triển lãm tại Mỹ có tải trọng khoảng 200kg, thiết kế theo kiểu trực thăng, ở dưới thân chính lắp tổ hợp trinh sát quang – điện tử. Tuy nhiên, không rõ tầm bay, thời gian hoạt động trên không của SVU-200.
Flight Global nhận định, mặc dù ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc đang phát triển mạnh, nhưng có vẻ các công ty nước này chưa mặn mà với các UAV dân sự. Họ đã xuất khẩu nhiều máy bay cánh quạt, cũng như các máy bay quân sự hiệu suất cao, nhưng họ lại chưa chú trọng UAV.
"Việc Trung Quốc tiến ra thị trường UAV thế giới sẽ là vấn đề thú vị. Trước hết, không giống như Mỹ, Trung Quốc không tham gia hai công ước quốc tế rất quan trọng, Công ước Wassenaar và Công ước về Công nghệ dẫn đường cho Tên lửa (MTCR). Vì không bị hạn chế bởi các công ước, nên Trung Quốc có nhiều không gian phát triển hơn", Austin Strange, nhà phân tích nghiên cứu ngành công nghiệp UAV của Trung Quốc tại Trường Hải quân Mĩ cho biết.
Trong thực tế, UAV đã là một “nhân vật nổi bật” của Không quân Trung Quốc, và các công ty Trung Quốc đã liên tục tham gia các triển lãm hàng không lớn, bao gồm Paris Air Show và Farnborough.
Trong nước, tại các cuộc triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc thường xuyên giới thiệu một loạt các loại UAV phục vụ cho mọi hoạt động quân sự và dân sự.
|
Mẫu thiết kế UAV tàng hình Lijian của Trung Quốc.
|
Nhiều người nghi ngờ chất lượng UAV Trung Quốc, dĩ nhiên điều đó là có cơ sở, vì máy bay Trung Quốc gặp nhiều trục trặc. Nhưng cũng cần biết, người Trung Quốc không phải mới làm quen với chế tạo UAV, họ đã nhập khẩu và sao chép công nghệ UAV Liên Xô từ những năm 1960-1970.
Gần đây, Trung Quốc đã giới thiệu một mẫu UAV khá giống siêu trinh sát cơ không người lái RQ-4 Global Hawk, được gọi là Soaring Dragon (gọi là Phi Long hoặc Rồng bay) và một loại UAV tàng hình nhỏ gần đây mới lộ diện có tên Lijian (Thanh kiếm sắc bén). Mẫu này được cho là có nhiều nét tương đồng với thiết kế UAV tàng hình của Nga.
Dù năng lực của Trung Quốc vẫn là một câu hỏi bí ẩn, nhưng đây sẽ là một bước tiến lớn khi họ tiến ra thị trường UAV quốc tế.