Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin COVID-19
Cụ thể, ngày 10/5, Đà Nẵng ghi nhận một ca bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Người bị sốc là nữ điều dưỡng 31 tuổi của khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng.
Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử lý chống sốc theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Tình trạng hiện tại của bệnh nhân là đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.
Đây là một trong số ít trường hợp sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam.
|
Việt Nam ghi nhận 2 ca sốc phản vệ, trong đó 1 người tử vong sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh minh họa. |
Trước đó, hôm 7/5 đã có một nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang sốc phản vệ và tử vong sau tiêm.
Cho đến nay, Việt Nam đã tiêm trên 800.000 mũi AstraZeneca, có một trường hợp tử vong sau tiêm, tỉ lệ các phản ứng phụ mức độ nhẹ khoảng 30%, một số phản ứng nặng hơn như kẹt huyết áp, nôn nhiều, choáng, phù mạch tại vị trí tiêm, thậm chí phải thở máy như điều dưỡng ở Đà Nẵng.
TS Soumya Sưaminathan - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có giải thích rõ hơn về các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin COVID-19.
Theo bà TS Soumya Swaminathan: Sau khi bạn tiêm vắc xin tại cơ sở y tế, bạn sẽ được yêu cầu ngồi đợi. Điều này là do nhân viên y tế ở đó muốn theo dõi tình trạng của bạn sau tiêm. Rất hiếm khi bạn có thể bị phản ứng sau tiêm vắc xin, nhưng nếu điều đó xảy ra khi bạn đang ở phòng khám, họ có thể xử lý. Đó là lý do tại sao bạn được yêu cầu ngồi nghỉ ở phòng chờ sau tiêm.
Ngoài ra, bạn có thể có các triệu chứng thường gặp sau tiêm chủng, thường là đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm. Bạn có thể bị sốt nhẹ, đau mỏi toàn thân, đau đầu hoặc cảm thấy không khỏe. Đó là những phản ứng thông thường vì đây là dấu hiệu hệ thống miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với các kháng nguyên được đưa vào cơ thể và hệ thống miễn dịch đang chuẩn bị để chiến đấu. Đó là điều khá phổ biến, thường kéo dài không quá hai hoặc ba ngày và sau đó bạn cảm thấy hoàn toàn ổn.
Không nên bỏ qua mũi tiêm thứ 2
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, có khoảng 8% số những người được tiêm mũi đầu tiên đã bỏ lỡ mũi tiêm thứ hai. TS. William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, cho biết: Nhiều người có ảo tưởng rằng họ được bảo vệ hoàn toàn chỉ với một trong hai mũi tiêm, nhưng thực tế không phải như vậy. Một số có thể mất khả năng phòng COVID-19 sớm hơn mà không biết.
Các chuyên gia cho hay, liều thứ hai không chỉ xây dựng khả năng miễn dịch cho cộng đồng mà còn tăng cường khả năng bảo vệ người tiêm không mắc bệnh và không gặp biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Theo TS. John Zaia, chuyên gia nghiên cứu vắc xin, xu hướng bỏ qua liều thứ hai sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng miễn dịch cộng đồng và cá nhân mỗi người.
|
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, tử vong do COVID-19 hoàn toàn có thể tránh được với hai mũi tiêm vắc xin. Do đó, bạn chớ nên bỏ qua mũi tiêm thứ 2. |
Mũi tiêm thứ hai của vắc-xin COVID-19 có thể được tiêm trong vòng 6 tuần sau mũi tiêm đầu tiên.
Virus và các biến thể luôn tìm kiếm vật chủ. Với những biến thể của COVID-19 hiện nay, việc tiêm đầy đủ cả hai mũi vắc xin COVID-19 là cần thiết để tránh virus xâm nhập vào cơ thể. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, tử vong do COVID-19 hoàn toàn có thể tránh được với hai mũi tiêm vắc xin.
Mời độc giả theo dõi video "26 tỉnh thành phố đã có ca nhiễm COVID-19". Nguồn: VTV24.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Houston Methodist đã đi sâu tìm hiểu khả năng mắc COVID-19, tử vong vì COVID-19 nếu được tiêm chủng đầy đủ và nguy cơ khi chỉ tiêm một mũi. Kết quả cho thấy, chỉ có chưa đến 1% số người đã được tiêm cả hai mũi phải nhập viện. Nhưng con số đó đã tăng lên hơn 3% đối với những người chỉ chọn một trong hai mũi tiêm.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng tiêm hai lần có hiệu quả 98% trong việc ngăn ngừa tử vong do COVID-19, trong khi nếu chỉ tiêm một lần, hiệu quả ngăn ngừa tử vong giảm xuống còn 64%.
Dù là lý do gì, cũng không nên bỏ lỡ mũi tiêm thứ hai; vừa để tránh cho bản thân phải nhập viện do COVID-19, vừa tăng khả năng miễn dịch cho cộng đồng.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các nước đều nhận ra một lộ trình tiêm vắc xin COVID-19 rõ ràng là điều rất quan trọng để thoát khỏi đại dịch.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.