Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Nhật Bản vừa kiến nghị một dự án nuôi trồng các cơ quan nội tạng một loài vật bất kì trong cơ thể của một loài khác bằng cách tiêm các tế bào gốc của loài có nội tạng cần nuôi vào phôi thai của loài thay thế.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản hy vọng được phép tiến hành cấy tế bào gốc của người vào phôi thai động vật nhằm tạo ra một “phôi thai đặc dị“ và sau đó đưa phôi thai này vào dạ con của một lợn nái. Mục tiêu của thực nghiệm này là xem xem một tế bào gốc khi được trắc nghiệm như vậy có khả năng phát triển thành một cơ quan nội tạng người.
Kĩ thuật này cho phép phát triển cơ quan nội tạng một người bệnh trên cơ thể lợn bằng cách lấy tế bào gốc của bệnh nhân đó tiêm vào cơ thể con lợn thay thế, nhằm nuôi trưởng thành một nội tạng khỏe mạnh.
Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, giám đốc trung tâm sinh học tế bào gốc và y khoa tái tạo thuộc Đại học Tokyo, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Mục tiêu sau rốt của chúng tôi là sản xuất nội tạng con người từ những tế bào gốc đa năng cảm – là tế bào gốc đa năng được phát triển lên từ tế bào bình thường”.
|
Ảnh minh họa. |
“Đây là một giải pháp tiềm năng đầy hấp dẫn đối với các phẫu thuật thay ghép nội tạng con người”, tiến sĩ Chris Mason, trưởng khoa y khoa tái tạo Đại học College London cho biết.
Hướng nghiên cứu này cũng đã được thực hiện ở Nga từ 30 năm trước. Tại Viện tế bào học và di truyền học tại Novosibirsk người ta cũng tại ra được giống lợn có bộ gen rất gần với người gọi là lợn mini Siberia. Về trọng lượng, kích thước các cơ phận của giống lợn này hoàn toàn tương ứng với người, ví dụ loại 10 kg có thể lấy tạng để ghép cho trẻ em và loại 30 kg cho người lớn.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều nước như Nhật Bản, Mĩ, Trung Quốc,… đang tiến hành nghiên cứu và đưa phương pháp này áp dụng vào thực tiễn để cung cấp nội tạng chữa trị cho con người.
Dù vậy, dự án trên cũng vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi. Trong đó, các chuyên gia chính phủ Nhật Bản thừa nhận rằng, tồn tại những vấn đề đạo đức quan trọng liên quan đến vấn đề này. Bởi không phải những phát minh khoa học nào cũng mang lại những hiệu quả hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng phải giới hạn về việc cấp phép nuôi các cơ quan của con người trên cơ thể động vật sau khi đã nghiên cứu từng trường hợp cụ thể.
Mặt khác, việc đưa dự án vào thực tế còn đòi hỏi phải có sửa đổi luật pháp hiện hành từ năm 2001 ở Nhật Bản quy định về nhân bản vô tính.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU