Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế về việc yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiến hành thanh, kiểm tra máy xét nghiệm sinh hóa tại các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn, sau khi có thông tin máy xét nghiệm sinh hóa tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện (theo gói thầu số 4 của Sở Y tế Hà Nội) không bảo đảm chất lượng, cũng như sau vụ việc Bệnh viện Đa khoa Thường Tín dùng máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc.
Chiều 29/7, Đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội đã bước đầu thông tin tới báo chí về kết quả kiểm tra 2 bệnh viện đang sử dụng loại máy này, đó là bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và Bệnh viện Đa khoa Thường Tín (Hà Nội).
Ông Nguyễn Ngọc Dung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đồng thời là trưởng đoàn Thanh tra cho biết, đoàn kiểm tra tại 2 bệnh viện tập trung xác minh các nội dung chính như: Hồ sơ nguồn gốc của máy, quá trình sử dụng máy, quá trình bảo trì, bảo dưỡng máy và cuối cùng là thực tế sử dụng máy.
“Qua quá trình kiểm tra cho thấy, các máy xét nghiệm sinh hóa tự động này đều có hồ sơ pháp lý đầy đủ, quy trình tiếp nhận máy móc đầy đủ 4 bước theo quy định. Đồng thời, các kỹ thuật viên trực tiếp sử dụng máy cho biết, máy vẫn sử dụng tốt. Tuy nhiên, đôi lúc còn lỗi phần mềm”, ông Dung nói.
|
Nơi đặt máy xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Ảnh: Lê Phương. |
Ngoài ra, đối với bệnh viện Hoài Đức, máy đã bị hỏng bóng đèn halogen từ tháng 11/2013. Còn bệnh viện Đa khoa Thường Tín thì bóng đèn đã bị hỏng từ ngày 7/3/2013.
Tuy nhiên, đối với nguồn gốc xuất xứ cũng như “nội thất” bên trong của máy xét nghiệm thì còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm. Theo PGĐ Sở Y tế Hà Nội: “Khi kiểm tra được biết, tem nhãn của máy có ghi sản xuất từ tháng 5/2010, nước sản xuất là của Đức. Tuy nhiên, phía bên trong máy thì 3/4 quạt mát của máy và 5 mô tơ lại ghi nguồn gốc Trung Quốc”.
Trước thực trạng này, ông Dung cho rằng, việc bảo trì, bảo dưỡng máy chưa đúng theo quy định và yêu cầu 2 bệnh viện này phải thay thế ngay.
Với những vấn đề khi kiểm tra, nhiều câu hỏi được đặt ra như: Tại sao máy hỏng hơn 1 năm mà không sửa, thanh tra Sở Y tế liệu có biết việc này? Tại sao vỏ ghi nơi sản xuất là của Đức mà lõi lại là của Trung Quốc? Liệu như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tốc độ cho ra kết quả xét nghiệm?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, GĐ Sở Y tế Hà Nội cho hay: “Việc không thay thiết bị và để máy hỏng hơn 1 năm là do bệnh viện gọi không đúng đơn vị cung ứng nên không có đủ trang thiết bị để sửa chữa, xảy ra tình trạng như vậy”.
Còn về vấn đề ảnh hưởng đến tốc độ cho ra kết quả xét nghiệm, ông Hiền giải thích: “Trên máy ghi tốc độ khi in kết quả là như vậy, nhưng khi vào thực tế máy sẽ khó có thể đạt được đúng như thông số trên máy. Việc này cũng giống như đi xe máy, tuy đồng hồ xe máy cho đi tốc độ tối đa là như vậy, nhưng ít ai có thể đi đạt được tốc độ đó”.
Riêng câu hỏi vỏ ghi của Đức, “nội thất” của Trung Quốc liệu có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bệnh nhân hay không? Đại diện đơn vị cung ứng là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản cho biết, phía công ty đã có văn bản cam kết với Sở Y tế Hà Nội việc xuất hiện "tem mác" của một nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị bởi một số linh phụ kiện dù được sản xuất tại nước thứ 3 nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng của nước sở tại là Đức.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra hồ sơ bằng chứng, chứng minh nghi lô máy xét nghiệm sinh hóa trên là hàng nhập lậu vào Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản giải thích: “Đơn vị không trực tiếp mua số lô máy móc trên mà thông qua một công ty khác. Tuy nhiên, lô hàng trên đã được một hội đồng chuyên môn kiểm định”.
“Hơn nữa, phía công ty xuất nhập khẩu Khoáng sản hiện có đầy đủ hồ sơ chứng minh là hàng của Đức và đã được được kiểm định trước khi xuất khẩu sang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu phóng viên nào muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể đến trực tiếp công ty”, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc công ty XNK Khoáng sản cho hay.