Xác suất tỉnh lại trên bàn mổ và cảm nhận rõ ràng lưỡi dao rạch trên cơ thể mình còn lớn hơn xác suất trúng xổ số...
(Kienthuc.net.vn) - Tỉnh lại khi đang nằm trên bàn mổ và cảm nhận rõ ràng lưỡi dao rạch trên cơ thể mình, hay về nhà với một miếng gạc mà bác sĩ để quên trong cơ thể là 2 trong số những rủi ro mà không bệnh nhân nào muốn gặp phải khi đi viện.
1. Tỉnh lại trong khi đang được phẫu thuật
Là một rủi ro rất hiếm khi xảy ra theo đánh giá của giới chuyên môn. Nhưng theo thống kê của Hiệp hội các bác sĩ gây mê Hoa Kì (ASA) thì cứ 1.000 bệnh nhân phải phẫu thuật có từ 1 đến 2 người đã từng trải qua một trạng thái tỉnh táo nào đó ngay khi vẫn đang được phẫu thuật. Như vậy, xác suất để tỉnh lại trên bàn mổ còn lớn hơn xác suất trúng xổ số. Tuy nhiên, chỉ có một số ít cảm thấy đau do ống nội khí quản hoặc đau ở vị trí đang được phẫu thuật.
|
Xác suất để tỉnh lại trên bàn mổ còn lớn hơn xác suất trúng xổ số |
2. Để quên dụng cụ y tế trong cơ thể
Đây quả là một mỏ vàng cho phần tin tức của giới truyền thông, bởi dạng sơ suất được coi là ngớ ngẩn nhất của nhân viên y tế này khá phổ biến. Chuyện bác sĩ để quên kim khâu, băng gạc hay thậm chí là dao kéo trong cơ thể bệnh nhân không chỉ xảy ra ở các nước nghèo, lạc hậu mà còn là “chuyện thường ngày” ở cả những quốc gia có nền y học phát triển nhất nhì thế giới. Vậy nên, nếu sau phẫu thuật, bạn cảm thấy có những dấu hiệu lạ trong cơ thể, hãy lập tức đi chụp X quang.
3. Mổ nhầm
Cắt nhầm bộ phận lành, bỏ sót bộ phận bị bệnh; mang bệnh án của người này mổ cho người kia...là vấn đề “ngày càng nghiêm trọng”, theo đánh giá của Denis O’Leary, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về y tế. Chỉ có điều, những vụ việc kiểu này thường được các bệnh viện giải quyết bằng thoả thuận với gia đình bệnh nhân và hồ sơ thường được xử lý “nội bộ” nên những gì mà dư luận được biết chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì đã xảy ra.
4. Lây nhiễm từ bàn tay thầy thuốc
Năm 1834, khi bệnh viện phụ sản đầu tiên mở cửa ở Vienna, cứ 8 sản phụ thì có 1 người chết vì sốt hậu sản. Rất day dứt, một bác sĩ tên là Ignacz Semmelweiss đã cố tìm hiểu và nhận ra rằng, chính bàn tay bẩn của nhân viên y tế là nguyên nhân khiến người bệnh nhiễm trùng. Khi được giao quản lý bệnh viện, Semmelweiss quy định mọi nhân viên đều phải rửa tay thật sạch sau khi khám nghiệm tử thi và trước khi đỡ đẻ. Thật kỳ diệu, tỉ lệ sốt hậu sản đã giảm xuống chỉ còn 1%.
Ngày nay, tuy việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đã được áp dụng ở hầu hết các cơ sở y tế nhưng nguy cơ lây nhiễm từ bàn tay y, bác sĩ không phải vì thế mà hoàn toàn biến mất. Một sự cẩu thả, một sơ suất, hay quá tải bệnh nhân..tất cả đều có thể khiến bạn trở thành nạn nhân của một bàn tay không sạch.
5. Kê đơn nhầm
Có rất nhiều nguyên nhân để rủi ro này xảy ra, nhưng thường gặp nhất là kê đơn nhầm do tên thuốc na ná như nhau. Một bệnh nhân ở Mĩ đã được chỉ định dùng Librium cao gấp hàng chục lần liều cho phép để điều trị chứng trầm cảm, trong khi đáng ra thuốc được kê phải là Lithium. Hậu quả là bệnh nhân tử vong.
6. Bác sĩ tử thần
Thay vì mang lại sự sống cho bệnh nhân thì có một số bác sĩ, vì kém y đức hoặc chuyên môn đã làm điều ngược lại. Vụ việc được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là Jayant Patel, một người đã bị tước giấy phép hành nghề y ở Mĩ nhưng sau đó đã sang Australia mở phòng khám và làm chết gần 90 trong tổng số hơn 1.000 bệnh nhân đến điều trị.
7. Bị chôn sống
Bị xác nhận là đã chết và mang đi mai táng trong khi đang còn sống không phải là tình tiết trong phim kinh dị hay nhầm lẫn của y học thế kỷ 17, 18 mà là một vấn đề đôi khi vẫn xảy ra trong xã hội hiện đại. Năm 1993, báo chí đưa tin một người đàn ông bị coi là đã chết trong một tai nạn giao thông ở Johannesburg (Nam Phi) đã được cứu sống sau khi bị quàn 2 ngày trong quan tài kim loại ở nhà xác thành phố.
|
Bị chôn sống là ác mộng kinh hoàng với một số bệnh nhân |
HT. (Scienceagogo)