Nga sẽ bán siêu động cơ kèm Su-35 cho Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Theo nguồn tin Nga, các máy bay chiến đấu Su-35 bán cho Trung Quốc sẽ được cung cấp kèm siêu động cơ phản lực 117S.

“Trong trường hợp ký hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc về việc cung cấp tiêm kích thế hệ 4++ Su-35, các máy bay này sẽ được trang bị động cơ 117S hiện đại nhất. Hiện các động cơ này chỉ được lắp cho tổ hợp hàng không triển vọng của không quân mặt trận PAK FA, hay được biết đến với cái tên đơn giản Su T-50”, nguồn tin trong đoàn Nga tham dự triển lãm hàng không vũ trụ ở Berlin (ILA 2014) cho biết.
Nguồn tin này xác nhận: “Hiện các xí nghiệp của ngành chế tạo động cơ máy bay Nga đang chuyển từ sản xuất thử nghiệm sang sản xuất hàng loạt động cơ 117S. Nếu cần phải bán các động cơ này cho Trung Quốc thì sẽ không có khó khăn gì”.
 Tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35.
Như hãng tin Itar-Tass đã đưa tin trước đây, hợp đồng giữa Nga và Trung Quốc về cung cấp các máy bay tiêm kích đa năng hiện đại nhất Su-35 sẽ được ký trong năm nay.
Căn cứ vào kết quả các cuộc đàm phán trước khi ký hợp đồng, phía Trung Quốc có thể mua đến 24 chiếc tiêm kích Su-35. Theo nhận định của nguồn cung cấp tin, sự quan tâm của Trung Quốc đối với Su-35 liên quan đến việc công nghiệp hàng khôngTrung Quốc đã lặp lại được hoàn toàn trong các quá trình sản xuất của mình các công nghệ được ứng dụng trong các loại máy bay tiêm kích họ “Su” được mua trong các hợp đồng đã ký trước đây.
Chuyên gia này nhận định: “Hiện ngành chế tạo máy bay quân sự của Trung Quốc đang cần các công nghệ mới, bởi vì dự trữ công nghệ nhận được từ Nga ứng dụng trong lô máy bay tiêm kích Su030MKK mới mua gần đây đã được các nhà chế tạo máy bay Trung Quốc nắm được toàn bộ”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Itar-Tass về việc có khả năng Trung Quốc sẽ sao chép các công nghệ chế tạo Su-35, chuyên gia này nói rằng phía Nga “nhìn nhận triển vọng này một cách khá bình thản”.
Trước đây, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng sao chép máy bay tiêm kích hiện đại nhất Su-35 nếu bán nó cho Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn chế tạo máy bay hợp nhất (OAK) Mikhail Pogosyan đã nhận định, là mọi sự sao chép trong lĩnh vực chế tạo máy bay không cho phép đạt được tiến bộ.
 Động cơ phản lực có kiểm soát véc tơ lực đẩy 117S đem lại khả năng cơ động cao cho máy bay được trang bị.
Người đứng đầu OAK nhận định: “Máy bay là một đối tượng rất phức tạp cho việc sao chép”. Theo ông chủ tịch Tập đoàn, việc lặp lại các công nghệ, kể cả các công nghệ không được cấp phép không thể cho phép công nghiệp hàng không tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng mọi yêu cầu hiện nay, những yêu cầu luôn thay đổi nhanh chóng”.
Người đứng đầu OAK nói thêm: “Máy bay là một cơ thể sống, luôn phát triển. Tôi không được biết về bất cứ việc sao chép máy bay thành công nào”.
Ông này nhận định, là việc sao chép trang bị kỹ thuật công nghệ cao của người khác không phải là con đường để đạt tới tiến bộ và chỉ mang lại hiệu quả nào đó ở giai đoạn nghiên cứu chế tạo ban đầu.
Chủ tịch OAK nói thêm, trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung Quốc cả hai bên “nhìn không phải về đằng sau, mà vào tương lai”. Người đứng đầu OAK nhấn mạnh: “Tôi cho rằng các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng ta đã vượt qua giai đoạn (sao chép) này và đã làm chủ trình độ công nghệ nhất định”.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)