Mỹ muốn biến V-22 Osprey thành cường kích cơ

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ muốn phát triển biến thể cường kích hạng nặng dựa trên máy bay vận tải độc đáo V-22 Osprey, tương tự như cách làm với C-130.

Tạp chí Jane's Defence Weekly dẫn lời Trung tá Lính thủy Đánh bộ Mỹ Eric Ropella, Bộ tự lệnh tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ (AFSOC) sẽ phát triển biến thể máy bay vận tải độc đáo V-22 Osprey dùng để hỏa lực không đối đất. Ngoài ra, Lính thủy Đánh bộ Mỹ cũng có ý định phát triển mẫu MV-22 Osprey với nhiệm vụ tương tự.
Tuy nhiên công tác cải tiến V-22 Osprey mới chỉ bắt đầu với khái niệm, trung tá Eric Ropella cho biết. Cũng theo ông này, CV-22 sẽ trang bị tên lửa, ngoài ra ông không công bố chi tiết phần còn lại.
 Máy bay vận tải quân sự độc đáo V-22 Osprey sẽ được trang bị hỏa lực hạng nặng.
Nhưng khi Jane’s hỏi rằng, liệu có thể trang bị vũ hạng nặng như vũ khí laser cho V-22, ông này cho rằng các phương án đều có thể thảo luận, một số kỹ sư Bộ tư lệnh hệ thống hàng không hải quân cũng muốn trang bị vũ khí laser trên máy bay V-22 Osprey.
“V-22 Osprey có 2 sải cánh có đường kính 12m, vũ khí không thể lắp đặt trên giá treo của cánh máy bay. Vì vậy, việc phát triển biến thể cường kích V-22 chỉ có thể đi theo phương án đã làm với C-130 (biến thể cường kích AC-130), theo đó hệ thống vũ khí, đạn dược được đặt trong khoang thân máy bay”, ông này cho biết.
Theo Eric Ropella, việc nghiên cứu máy bay cường kích chỉ là một trong những phương án phát triển V-22. Hiện đã có kế hoạch phát triển V-22 cho khả năng tiếp dầu trên không, chỉ huy kiểm soát đường không…
 Máy bay cường kích hạng nặng AC-130H.
Trong lịch sử phát triển vũ khí, Mỹ đã không ít lần thực hiện việc phát triển biến thể cường kích dựa trên máy bay vận tải. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phát triển biến thể cường kích hạng nặng AC-47, AC-119 và AC-130 dựa trên máy bay vận tải C-47, C-119 và C-130 dùng để đánh phá tuyến đường giao thông huyết mạch. Loại máy bay này đã gây nhiều thiệt hại cho bộ đội, nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Không quân Mỹ sử dụng biến thể AC-130H/U/J/K/W. Trong đó, AC-130H trang bị một khẩu pháo 40mm và một pháo 105mm; AC-130U trang bị một pháo 5 nòng xoay cỡ 25mm, một pháo 40mm và một pháo 105mm và AC-130W/J trang bị một pháo tự động 30mm, bệ phóng Gunslinger với tên lửa không đối đất AGM-176 hoặc bom GBU-44/B, trên cánh có thể mang tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire hoặc bom đường kính nhỏ GBU-39, GBU-53/B.
Bằng Hữu

Bình luận(0)