Đá quý chữa bệnh từ bao giờ?
Từ xa xưa, người cổ đại đã biết dùng đá quý để chữa bệnh. Họ tin rằng đá quý có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng trong cơ thể và tạo nên năng lượng bên trong con người. Các bậc vua chúa đã dùng đá quý như một vật tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Họ đeo đá quý quanh đầu với niềm tin chúng sẽ giúp trở nên thông thái hơn. Người Hy Lạp, Ai Cập, La Mã cổ đại thì dùng đá quý như những tấm bùa để bảo vệ bản thân.
Nhà cảm xạ học, bác sỹ Dư Quang Châu khẳng định: “Từ xa xưa, người cổ đại đã biết dùng đá quý để chữa bệnh. Họ tin rằng, đá quý có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng trong cơ thể và tạo nên năng lượng bên trong con người”.
Công dụng chữa bệnh thể hiện rõ nhất ở đá thạch anh. Đá thạch anh được con người phát hiện từ gần 300.000 năm trước, là loại tinh thể nhiều màu hồng, tím rất bắt mắt. Từ xa xưa, thạch anh đã được coi là một loại đá có khả năng chữa bệnh.
Thạch anh tím có thể chữa bệnh mất ngủ, giúp con người giữ được niềm tin và lòng dũng cảm. Trang sức đá thạch anh hồng giúp con người tăng cường thể lực và tinh thần. Nhiều loại đá thạch anh được dùng trong các thiết bị massage để day vào các huyệt đạo giúp lưu thông khí huyết và điều tiết năng lượng. Người Hy Lạp cổ sử dụng những chiếc cốc làm bằng đá thạch anh đỏ và cho rằng nó sẽ giúp lọc chất độc, hoặc uống rượu mà không bị say…
Ngoài đá thạch anh thì nhiều loại đá quý khác cũng được cho là có công dụng chữa bệnh tuyệt vời. Chẳng hạn như đá Topaz có thể chữa bệnh cao huyết áp. Đặt đá Sapphire lên đầu sẽ giúp giảm sốt và chảy máu cam. Ngọc trai giúp làm giảm những cơn đau dạ dày, cảm lạnh, viêm cuống phổi và nhiễm độc phổi…
Nhưng những tác dụng chữa bệnh đó là thật hay chỉ là niềm tin từ thời cổ đại, khi nền y học và khoa học hiện đại ngày càng phát triển?
|
Dùng đá quý chữa bệnh vẫn chưa được khoa học kiểm chứng |
Dùng đá quý chữa bệnh vẫn là ẩn số
Các bác sĩ chuyên về phương pháp chữa bệnh bằng đá cho rằng những viên đá có khả năng thu hút năng lượng từ suy nghĩ của con người, nên có tác dụng chữa bệnh.
Người ta còn dùng những viên đá nhiều màu sắc, phản chiếu ánh sáng của thiên nhiên để làm tăng sức mạnh của cơ thể. Phương pháp này dựa trên sự hài hòa, trao đổi năng lượng giữa hai vật thể khác nhau, đó là đá và cơ thể con người. Thậm chí họ còn chứng minh rằng đá không phải là một tĩnh vật mà có thể “thở”, vận động và tiềm ẩn nhiều nguồn năng lượng có tác động đến con người.
Theo nhà cảm xạ học Dư Quang Châu, bệnh tật của con người có thể chia thành các dạng khác nhau để từ đó có thể có những loại đá chữa bệnh cho phù hợp. Ví dụ, người mắc bệnh vì đau ốm sử dụng gỗ hoá thạch, thạch anh trắng chà lên vết thương để giảm đau. Bệnh nhân ung thư thì dùng đá thạch anh đen ngăn ngừa khúc xạ, làm cắt giảm cơn đau, dùng đá thạch anh hồng đeo vào yết hầu điều trị được bệnh viêm xoang, hen suyễn...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, bác sĩ khi được hỏi về các phương pháp chữa bệnh bằng đá nói chung và đá quý nói riêng thì họ cho rằng, đó chỉ là những lời tương truyền, là những các dân gian kết hợp trong đông y cùng với xoa bóp, bấm huyệt khi y học chưa phát triển. Còn khả năng thật sự dùng đá chữa bệnh thay thuốc hiện nay vẫn chưa được khoa học kiểm chứng. Đối với những loại đá quý, ngoài giá trị làm đồ trang sức thì tình năng chữa bệnh hiện vẫn là một ẩn số với ngành y học.
Trả lời phỏng vấn, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết: “Để điều trị bệnh ung thư, các bác sĩ phải căn cứ theo từng loại ung thư để biết được do virus nào gây ra mà sử dụng phác đồ điều trị thích hợp. Khác với những căn bệnh khác, nếu phát hiện hoặc điều trị chậm trễ, bệnh nhân ung thư sẽ phải trả giá bằng cả mạng sống".
Theo bác sĩ Chấn Hùng, những người lớn tuổi, tin vào những chuyện thần kỳ, chỉ sử dụng giường đá, đeo đá lủng lẳng khắp người mà lơ là việc thăm khám sức khoẻ định kỳ, không dùng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sẽ nguy hiểm khôn lường.
"Tác dụng của đá, giường đá chỉ mang tính chất động viên tinh thần, tâm lý. Một số người quá lo lắng vì mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, khi nghe thấy có thể chữa khỏi bệnh bằng một phương pháp đơn giản nên họ cảm thấy yên tâm hơn, khỏe hơn. Nhưng khi bệnh nặng, trở tay không kịp, người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến cả mạng sống", bác sĩ Hùng nói.