Nhiều thay đổi
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá "2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc thay đổi hình thức thi có thể dẫn đến điểm trúng tuyển đại học tăng lên. Theo ông, năm nay, thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi. Những em chỉ muốn tốt nghiệp thi 4 môn (gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn). Để xét tuyển đại học, cao đẳng, thí sinh đăng ký dự thi thêm các môn phù hợp với tổ hợp môn thi. Đặc biệt, thí sinh biết kết quả thi mới đăng ký xét tuyển vào các trường.
"Điều này giảm được áp lực và rủi ro cho học sinh, đồng thời hạn chế trường hợp điểm cao vẫn trượt đại học. Như vậy, từ hình thức thi, đề thi, cách thức xét tuyển mới mẻ dẫn đến điểm chuẩn có thể không như mọi năm” - PGS Trần Xuân Nhĩ nhận định.
|
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, hình thức thi mới dẫn đến điểm chuẩn vào trường sẽ cao. |
Bên cạnh đó, sự phân hóa thí sinh với mục đích tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng trước khi kỳ thi bắt đầu, cũng phần nào ảnh hưởng điểm trúng tuyển sau này. Theo số liệu thống kê, 27% học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp. Tất nhiên, con số này chỉ mang tính tham khảo, nhưng cũng cho thấy, thí sinh dự thi và nộp đơn xét tuyển đại học thực chất hơn. Đầu vào của các trường, theo đó, sẽ tốt hơn.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng nhận định, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay có thể bằng, thậm chí cao hơn mọi năm (gần 100%). Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ cao không chắc chắn chất lượng cao hơn, bởi cách thức chọn lựa môn thi năm nay không toàn diện.
“Điều quan trọng nhất của giáo dục phổ thông là sự toàn diện chứ không phải phân hóa. Tôi đề xuất kỳ thi phải bắt buộc có 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và thêm hai bài tổng hợp theo kiến thức tự nhiên và xã hội”, ông Nhĩ nói.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), sự dao động điểm chuẩn sẽ xảy ra ở một số ngành hot thuộc các trường đại học top trên. Ông cũng cho rằng, với quy trình như năm nay, việc tuyển sinh sẽ được tiến hành nhanh chóng, thậm chí chỉ cần một ngày.
Nhiều ý kiến khác đề cập một số trường kết hợp xét điểm thi THPT quốc gia, học bạ (có thể quy đổi ra điểm số), thậm chí điểm thi môn năng khiếu... Điều đó cũng đồng nghĩa, điểm trúng tuyển có thể sẽ biến động về mặt con số, do cách làm không giống mọi năm.
Tránh tình trạng nộp nguyện vọng như… đánh đề
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, nhằm mục đích xét tuyển. Với hình thức thi mới mẻ, tỷ lệ thí sinh dự thi cao mức kỷ lục (gần 96%). Kỳ thi đợt 1 cơ bản triệt tiêu được lượng thí sinh ảo, gian lận thi cử.
Kết thúc kỳ thi, một trong những vấn đề học sinh quan tâm là điểm chuẩn. Ông Vũ Viết Bình - Phó trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, không thể so sánh được điểm chuẩn năm nay so với mọi năm tăng hay giảm, bởi hình thức thi đã hoàn toàn khác biệt.
“Nếu mọi năm thí sinh chỉ thi 3 môn theo khối, với tổng điểm 30, thì năm nay các em làm một bài đánh giá năng lực với 140 điểm” - ông Bình nhấn mạnh.
Dù khó có thể so sánh như ông Bình nói, nhưng dễ dàng thấy rằng, hình thức thi đổi mới dẫn đến sự khác biệt về điểm số và tất nhiên cả điểm trúng tuyển, nếu chỉ xét đơn thuần về con số.
|
Ông Vũ Viết Bình tư vấn trực tuyến về tuyển sinh trên Zing.vn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng theo ông Bình, năm nay, các trường công bố chỉ tiêu xét tuyển và cứ 3 ngày lại cập nhật, sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp. Dựa vào thông tin được công bố thường xuyên, thí sinh biết cơ hội của mình. Việc phải “liệu cơm gắp mắm” khiến học sinh không nộp nguyện vọng tùy hứng như mọi năm, cũng như nâng chất lượng nguồn tuyển cho những trường uy tín.
Cũng theo đại diện của Đại học Quốc gia này, nếu như các năm trước, học sinh đăng ký nguyện vọng, xét tuyển tù mù như... đánh đề, thì năm nay mọi quy trình đều hết sức rõ ràng. Vì thế, học sinh đạt điểm số cao mà vẫn trượt có thể do các em chưa thực sự lo lắng cho việc học hành của mình.