Đi bộ đúng tránh tai biến

Google News

(Kiến Thức) - Đi bộ thế nào cho đúng, bao nhiêu lâu thì hợp lý... là những câu hỏi được nhiều người cao tuổi quan tâm.

Một trong những hình thức đơn giản nhất để nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật đối với người cao tuổi là đi bộ. Tuy nhiên, không ít trường hợp, sau khi đi bộ lại bị tai biến. Đi bộ thế nào cho đúng, bao nhiêu lâu thì hợp lý... là những câu hỏi được nhiều người cao tuổi quan tâm.
Khổ vì đi bộ
Bà Trần Thị Năm (tổ dân phố số 10, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị đau khớp, đặc biệt là những ngày trời trở lạnh. Nghe con cái nói đọc thông tin trên internet thấy đi bộ tốt cho người già và có thể chữa được bệnh, bà Năm liền áp dụng ngay. Do sức không tốt, nên bà chia thời gian đi bộ làm hai lần, sáng ngủ dậy đi bộ khoảng 1 giờ và buổi chiều, tầm 4h chiều bà đi thêm một giờ nữa. Có điều sau một thời gian đi bộ, bà thấy bệnh đau khớp không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn, những cơn đau nhức không dứt khiến bà không thể đi lại nổi. 
Ông Nguyễn Minh Trung (Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) cũng than thở về việc khổ vì đi bộ. Ông kể, đi bộ là việc rèn luyện mà ông thực hiện hằng ngày đều đặn trong hơn 10 năm nay. Sáng nào, ngủ dậy, ông cũng đi bộ khoảng 2,5 giờ. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, vẫn thời gian ấy, quãng đường ấy, mấy năm trước ông đi bộ về thấy rất khoẻ mạnh. Vậy mà bây giờ, ở tuổi 73, mỗi khi đi bộ về ông lại thấy đau đầu gối, mỏi xương khớp. Có những ngày ông đi được già nửa quãng đường đã phải bỏ cuộc.
Người già bị bệnh về xương khớp thì không nên lựa chọn hình thức rèn luyện sức khoẻ là đi bộ. 
60 phút mỗi ngày là hợp lý
TS Marco Pahor, Viện Nghiên cứu Lão khoa thuộc Đại học Florida (Hoa Kỳ) cho biết: Đi bộ đúng là hình thức đơn giản để rèn luyện sức khoẻ, phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, đi bộ cần phải đúng cách và không phải người già nào cũng thích hợp với đi bộ.
Thứ nhất, với những người già có bệnh liên quan đến xương khớp, cần thay đổi tư duy rằng, đi bộ sẽ giúp khỏi đau. Thực tế, đối với người già bị bệnh về xương khớp, việc đi lại sẽ tạo sức đè ép lên các mặt sụn khớp đã bị thoái hoá tạo ra những sang chấn trên hai đầu xương, gây đau nhức. Vì thế, với những người già bị bệnh về xương khớp thì không nên lựa chọn hình thức rèn luyện sức khoẻ là đi bộ. Có những bài tập đem lại sức khoẻ và phòng chống bệnh tật mà không cần đến sự vận động. 
Thứ hai, đối với những người già khoẻ mạnh, không có bệnh viêm khớp có thể đi bộ, nhưng phải chọn lựa thời gian và cường độ đi phù hợp với cơ thể.
Đồng quan điểm, BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354 cho hay, khi còn trẻ chúng ta có thể đi bộ 2 - 3 giờ, nhưng khi về già chúng ta nên giảm thời gian và cường độ đi xuống chứ đừng "gượng ép" đi như hồi trai trẻ. Với người già, hãy đi ít và đi chậm hơn, đừng ham đi quá nhiều.
Cũng theo BS Đào Bá Vy, với người cao tuổi, thời gian đi bộ thích hợp nhất là khoảng 60 phút, với vận tốc khoảng 2 - 4km/h là hợp lý. Những người mới bắt đầu luyện tập hoặc những người có vấn đề về cân bằng trước tiên nên tập đi trên bề mặt phẳng hoặc trong nhà; sau đó dần dần có thể tập đi trên các bề mặt không đồng đều hơn khi đã bước đi vững chãi và phải chắc rằng khớp xương của mình cho phép. Với những người mới đi, hãy bắt đầu với 2 - 5 phút và hãy thử trong vài ngày, sau đó đẩy dần lên 15 phút, 30 phút, rồi 60 phút tùy thuộc vào thể trạng sức khoẻ của từng người.
Ngoài ra, khi đi bộ, người già hãy chọn những đôi giầy thiết kế riêng cho việc đi bộ. Tốt nhất hãy chọn giầy có đế dày để có tác dụng đệm và hỗ trợ gót chân, tăng sự ổn định của bàn chân. Giầy thể thao hoặc giầy tennis không lý tưởng vì chúng được thiết kế cho các chuyển động nhiều sang hai bên cạnh của bàn chân sẽ không phù hợp với việc đi bộ của người già.
Không nhất thiết chỉ có đi bộ

 

Người già không nên có quan điểm rằng chỉ có đi bộ mới là phương pháp rèn luyện sức khoẻ tốt nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bài tập sức bền ngoài đi bộ còn có đạp xe đạp, thể dục nhịp điệu, dưỡng sinh với động tác nhẹ nhàng... Hãy chọn cho mình một phương pháp rèn luyện sức khoẻ, phòng chống bệnh tật phù hợp với sở thích và sức khoẻ của mình. Ngay cả với việc đi bộ, người cao tuổi cũng không nhất thiết phải đi theo một lịch trình cụ thể. Với người già, hãy suy nghĩ đến những cách thức tập dễ dàng hơn, ví dụ như đi bộ đến cửa hàng tạp hóa, hay đi bộ khi chơi với cháu...
BS Đào Bá Vy
Huy Khánh

Bình luận(0)