Dễ tắc ruột, nghẹt thở khi trẻ nuốt kẹo cao su

Google News

(Kiến Thức) - Kẹo cao su là loại kẹo không chỉ được nhiều người ở độ tuổi trường thành yêu thích. Ngay cả trẻ nhỏ, việc nhai kẹo cao su dường như đã trở thành thói quen.


Tuy nhiên do không ý thức được việc phải bỏ bã kẹo cao su ra ngoài hoặc do vui chơi mà vô tình nuốt phải bã kẹo cao su đã khiến không ít trẻ phải nhập viện, thậm chí có trường hợp trẻ đã bị tử vong do nhai kẹo cao su.

Điển hình là trường hợp của bé Nguyễn Văn Đ. đã bị miếng kẹo chui vào đường thở và phải đến bác sĩ. Tai nạn làm bé Đ. tím tái mặt mày, gọi hỏi không trả lời, các cơ hô hấp co kéo như bị bóp cổ. Ngay sau đó bé được đưa đến bệnh viện, bác sĩ đã phải mở khí quản cấp cứu, đặt ống nội khí quản, cho bé thở oxy để gắp mẩu kẹo ra.

Không chỉ bị tai nạn như bé Đ, nhiều trường hợp còn bị dị ứng do kẹo cao su có nhiều chất kích thích không phù hợp cho trẻ.

Một cậu bé người Italia đã phải nhập viện sau khi gia đình nhận thấy cậu bé dễ bị kích động và hay tấn công người khác. Đồng thời cậu bé còn có những biểu hiện khác như bị đau bụng, đi tiểu nhiều và bị đau khi đi tiểu, có cảm giác kiến bò trong chân.

Các bác sĩ nhận thấy nhịp tim của cậu bé rất nhanh (147 nhịp/phút), thở gấp (25 lần/phút) và huyết áp tăng cao (145/90 mmHg). Xét nghiệm máu cho thấy bình thường và gia đình từ chối làm xét nghiệm các loại thuốc kích thích cấm sử dụng.

 Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Cậu bé ở cả đêm trong bệnh viện mà không được điều trị gì và đến sáng hôm sau, chỉ còn 1 biểu hiện bất thường là nhịp tim chậm lại (chỉ còn 40 nhịp/phút). Sau đó, các bác sĩ để ý thấy cậu bé ăn 2 gói kẹo cao su có chứa chất kích thích trong 4 tiếng. 2 gói kẹo này có chứa tổng cộng 320mg cafein, tương đương với hơn 3 tách cà phê loãng. Lúc này, các bác sĩ mới biết là cậu bé bị say cafein.

Những trường hợp trên phần nào minh chứng cho các bậc phụ huynh thấy rõ những tác hại khi cho trẻ nhỏ nhai kẹo cao su. Nói về tác hại của loại kẹo này với trẻ nhỏ, nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế đã nghiên cứu và đưa ra những cảnh bảo đối với phụ huynh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý vì trẻ nhỏ rất hay bị hóc các dị vật như kẹo, hạt trái cây, nút chai lọ, viên bi, cúc áo... Bé có thể ngậm chơi rồi vô tình hít vào đường hô hấp gây tắc thở, xẹp phổi... nguy hiểm tới tính mạng. Ngay cả trẻ lớn khi ăn cũng cần chú ý để tránh hiểm họa khôn lường.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, nguyên bác sĩ Viện 354, cho biết, nuốt kẹo cao không quá nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, việc này có thể gây một chút khó chịu như đầy hơi, trướng bụng. Bã kẹo sẽ thường được đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa, tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bã kẹo có thể làm nghẹt thở nếu không may lọt vào thực quản. 

Trong một số ít trường hợp hiếm hoi, bã kẹo cao su cũng có thể gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Vì vậy, tốt nhất hãy cho bé uống thật nhiều nước để hỗ trợ quá trình tiêu hóa tốt hơn.

Anh Đào

Bình luận(0)