Theo quy định mới về đấu thầu thuốc vào bệnh viện (Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC), mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định nhưng có giá thấp nhất. Tuy nhiên, tại buổi mở thầu ở Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện cho biết, thuốc trúng thầu vào bệnh viện phải là thuốc tốt chứ không thể đặt chuyện giá cả lên hàng đầu, bởi nếu thuốc rẻ mà chất lượng kém sẽ không có tác dụng điều trị.
|
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức trong buổi đấu thầu thuốc |
Theo ông Quyết, nếu chấm thầu theo đúng thông tư Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế, có hiệu lực từ tháng 6/2012 của Bộ Y tế, các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất, nếu vậy, để lo cho toàn bộ số thuốc dùng từ nay đến hết năm 2014, bệnh viện chỉ phải chạy khoảng 150 tỷ. Nhưng quan trọng là thuốc đó có đủ điều kiện để chữa được bệnh cho bệnh nhân hay không. Còn nếu lấy đúng thuốc để chữa được bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức thì số tiền ấy sẽ tăng gấp đôi.
Để làm sáng tỏ vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Quyết đã lấy một ví dụ cụ thể, cùng một loại kháng sinh Ciprofloxacin, cùng tiêm tĩnh mạch, một loại hoạt chất, hàm lượng 200 mg/100 ml nhưng thuốc có nguồn gốc từ châu Âu giá 80.000 đồng/lọ, trong khi thuốc sản xuất ở nước có nền công nghiệp dược kém phát triển giá chỉ có 8.000 đồng/lọ.
|
Ông Nguyễn Tiến Quyết so sánh hai lọ vắc xin |
“Nết xét về mặt pháp lý, cả 2 loại thuốc này đều được Cục quản lý Dược cấp phép vào Việt Nam, như vậy đều có đầy đủ điều kiện dự thầu, như vậy, nếu chấm điểm theo tiêu chí của Bộ thì đương nhiên loại thuốc rẻ sẽ trúng thầu. Tuy nhiên, không ít trường hợp là các bệnh viện, sau khi thuốc rẻ trúng thầu thì không thể dùng được vì chất lượng kém, không thể đáp ứng điều trị. Vì vậy, nếu áp dụng một cách cứng nhắc, rập khuôn Thông tư 01 của Bộ Y tế về việc đấu thầu thuốc thì chẳng khác nào bệnh viện tự bắn vào chân mình”, GĐ Bệnh viện Việt Đức nói.
Vì những lý do trên, Ban giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định, tiêu chí chấm thầu thuốc của bệnh viện là phải lựa chọn được các loại thuốc tốt, giá hợp lý, chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một Hội đồng đấu thầu giỏi, gồm các chuyên gia ở đủ các lĩnh vực chuyên môn và phải công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu thuốc, nếu không sẽ dẫn đến độc quyền, và gian lận trong đấu thầu thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Y tế cho biết, qua công tác kiểm tra giám sát chất lượng thuốc đã thuốc trúng thầu vào bệnh viện ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua cho thấy đã phát hiện nhiều thuốc nhập khẩu vi phạm chất lượng hoặc chất lượng thấp. Hiện Cục quản lý dược đã lên danh sách 37 công ty phải kiểm định 100% thuốc khi nhập vào Việt Nam. Đứng đầu trong danh sách này thuộc về các công ty dược của Ấn Độ, Pakistan …