Đài Loan sắp sản xuất “vũ khí diệt sân bay” Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Đài Loan sẽ bắt đầu sản xuất đại trà bom liệng thông minh Wan Chien chuyên dùng để phá hủy sân bay Trung Quốc vào năm 2015.

Theo những tài liệu mới nhận được từ các quan chức quốc phòng Đài Loan, ông Lin Yu-fang, thành viên Ủy ban Quốc phòng Đài Loan cho biết, việc sản xuất bom Wan Chien sẽ bắt đầu vào năm 2015. Hiện nay, việc tích hợp Wan Chien vào loại máy bay chiến đấu nội địa F-CK-1 Kinh Quốc đã được hoàn thành vào tháng 3/2013.
“Việc đi trước kế hoạch từ 1-2 năm đã giúp Đài Loan tiết kiệm được khoảng 67,8 triệu USD”, ông Lin Yu-fang cho hay.
Là loại vũ khí được thiết kế nhằm tấn công phá hủy các sân bay, Wan Chien được viện Khoa học và Công nghệ Chung Sơn thuộc bộ Quốc phòng Đài Loan phát triển.
 Bom liệng thông minh AGM-154 - "nguyên mẫu" của Wanchien của khi nổ bung ra những quả bom con.
Đài Loan gọi Wan Chien là bom chùm, tuy nhiên nói đúng hơn nó là một dạng bom liệng (một loại bom có cánh, không cần động cơ nhưng có thể bay hàng trăm km từ điểm phóng tới mục tiêu), được chế tạo dựa trên bom liệng AGM-154 JSOW của Mỹ. Wan Chien nặng 800-900kg, dài 4,5-4,8m, đường kính thân 0,75-0,8m, lắp đầu nổ 300-350kg với hệ thống dẫn đường GPS.
Với tầm bắn lên đến 200km, Wan Chien có thể được phóng đi từ vịnh Đài Loan nhằm vào các mục tiêu ở Trung Quốc.
Cũng theo ông Lin, 40 máy bay chiến đấu nội địa F-CK-1 đóng quân tại tỉnh Đài Nam ở miền Nam Đài Loan đã được nâng cấp để có thể sử dụng loại bom Wang Chien kể trên. Một số loại máy bay khác của Đài Loan ở Đài Trung cũng đang trong quá trình nâng cấp để có khả năng mang theo bom Wang Chien vào đầu năm 2017.
Tiêm kích đa năng F-CK-1 Kinh Quốc.
Bộ Quốc phòng Đài Loan vẫn chưa bình luận gì về phát biểu của ông Lin.
Việc sử dụng bom chùm đã bị lên án bởi các tổ chức Phi chính phủ trên thế giới cũng như nhiều thành viên trong cộng đồng quốc tế do tính sát thương trên diện rộng của loại vũ khí này. Hàng nghìn thường dân sống trong các vùng xung đột hiện tại đã bị giết hoặc bị thương do bom chùm. Đặc biệt, nhiều quả bom chùm đã phát nổ sau hàng thập kỷ bị thả xuống.
Công ước về bom chùm có hiệu lực trong tháng 8/2010 cấm việc sử dụng, phát triển, dự trữ và chuyển giao bom chùm đã được ký kết bởi 108 quốc gia. Tuy nhiên, các cường quốc quân sự lớn trong đó có Mỹ, Nga và Trung Quốc đã không ký.
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)