Đã có những thông tin cho rằng, không nhất thiết phải tiêm ngừa viêm gan siêu vi B ngay sau khi sinh cho tất cả trẻ sơ sinh, trừ những trẻ trong nhóm nguy cơ?.
Mẹ nhiễm, con phải tiêm ngừa
PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh - Sơ sinh TPHCM cho biết, với những bà mẹ mang thai có nhiễm virus viêm gan siêu vi B, theo hướng dẫn chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế, cần tiêm phòng bệnh cho trẻ sau sinh trong vòng 24 giờ đầu để đạt được hiệu quả phòng bệnh cao.
Cùng quan điểm, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, nguy cơ lây nhiễm siêu vi viêm gan B từ mẹ qua con là rất lớn (trên 95%) nếu người mẹ đã nhiễm phải siêu vi này. Nếu các bé được tiêm ngừa sớm, sau sinh 24 giờ, với văcxin và Globulin miễn dịch (HBIG) sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền siêu vi B từ mẹ sang con.
Việt Nam là điểm báo động đỏ trên bản đồ thế giới về bệnh lý viêm gan, do nước ta nằm trong vùng dịch tễ, có khoảng 15% dân số nhiễm siêu vi B mạn tính, kéo dài. Trẻ sơ sinh nếu bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, hơn 90% trường hợp sẽ trở thành người mang mầm bệnh mạn và có thể sẽ phát bệnh Viêm gan siêu vi B mạn sau này, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ.
|
Ảnh minh họa. |
Xem lại thời điểm tiêm ngừa
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm ngừa cho trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm siêu vi viêm gan B là cần thiết vì tỉ lệ bị nhiễm sau tiêm chủng chỉ dưới 5%. Trong khi đó, nếu không tiêm ngừa thì tỉ lệ trẻ bị nhiễm bệnh lên đến 95%. Ở nước ta, văcxin viêm gan B được triển khai tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997.
Theo TS.BS Mạnh Hùng, do trẻ nhỏ khi có nhiễm virus viêm gan B từ mẹ khi sinh thì hầu như không bị bệnh ngay. Vì thế, chúng ta ít thấy trẻ nhỏ bị bệnh viêm gan siêu vi B mặc dù mang mầm bệnh trong người. Thực tế, thường đến tuổi vị thành niên, trưởng thành bệnh mới bùng phát lên. Khoảng 80% bệnh nhân viêm gan siêu vi B không biết mình mắc bệnh chỉ khi vô tình đi khám sức khoẻ hay kiểm tra máu do mắc bệnh khác thì mới biết nên có khi bệnh đã vào giai đoạn cuối xơ gan, suy gan, ung thư gan thì chi phí điều trị cao và tỷ lệ thành công thấp. Mỗi tháng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có đến 20.000 lượt bệnh nhân đến khám vì viêm gan, trong đó có đến 16.000 bệnh nhân viêm gan siêu vi B.
Theo các chuyên gia, có những bé mắc bệnh tim, bệnh rối loạn chuyển hóa, hay những bệnh lý bẩm sinh khác, nhưng lúc mới vừa sinh ra chưa biểu hiện bệnh, mà vài giờ sau mới có triệu chứng. Nên việc tiêm văcxin ngay khi vừa sinh mà chưa khám sàng lọc, nếu có xảy ra biến chứng hoặc tử vong sẽ không biết được nguyên nhân do trùng lắp bệnh, hay do chất lượng văcxin, kỹ thuật tiêm...
Mặt khác, có cần thiết phải tiêm ngừa cho tất các trẻ sơ sinh trong vòng 24 tiếng đồng hồ đối với các trường hợp mẹ khoẻ mạnh, không nhiễm siêu vi B? Điều này cần xem xét lại, nên chăng dời thời điểm chủng ngừa đến vài tháng sau vì trong thời khoảng này hầu như không có nguy cơ lây truyền siêu vi viêm gan B cho bé.