Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, nguy cơ xuất hiện dịch COVID- 19 tại Việt Nam là rất lớn trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn thường xuyên tổ chức các chuyến bay giải cứu nên việc kiểm soát dịch trong thời gian tới rất khó khăn.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến |
Hiện nay khu vực nóng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng thắt chặt quản lý khu vực biên giới, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, đảm bảo thực hiện cách ly ngay đối với các trường hợp đã nhập cảnh. Nếu buông lỏng kiểm soát trong giai đoạn này để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, đặc biệt là các ca nhiễm biến chủng Anh, Nam Phi, sau đó lây nhiễm vào cộng đồng thì việc kiểm soát sẽ thực sự khó khăn.
Vì vậy, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, đặc biệt các tỉnh có biên giới với Campuchia, do khu vực này không có ranh giới, chỉ có các cột mốc, đi lại rất dễ dàng. Các địa phương cần tăng cường tầm soát, giám sát, phát hiện đối tượng có nguy cơ; nếu xác định có trường hợp nhập cảnh phải báo cáo cơ quan chức năng để cách ly ngay. Bộ Y tế cũng yêu cầu thường xuyên tầm soát cộng đồng tại các khu vực nguy cơ cao, thậm chí xét nghiệm các đối tượng là người ở khu vực này để nhận biết sớm các ca nhiễm.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các địa phương cập nhật bản đồ an toàn COVID-19 tại tất cả cơ sở y tế, kinh doanh, dịch vụ, trường học, các phòng khám tư nhân. Yêu cầu Sở Y tế các địa phương thực hiện nghiêm, phòng khám nào không đảm bảo sẽ phải đình chỉ hoạt động.
Mọi địa phương đều có thể xuất hiện dịch. Chúng ta không thể chắc chắn 100% dịch xảy ra ở đâu nên các tỉnh đều có nguy cơ như nhau. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương phải có kịch bản về xét nghiệm, cách ly diện rộng, cách ly điều trị, cách ly tại địa phương,... để sẵn sàng kích hoạt ngay khi có dịch.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân cài sổ theo dõi sức khỏe điện tử và quét QR code ở những nơi mình đến. Việc này giúp ngành Y tế có thể nắm được người ra vào tại một địa điểm nhất định, giúp cho việc truy vết dễ dàng khi có ca bệnh xuất hiện tại địa điểm đó.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, nhận định tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, năm 2021 chưa thể kiểm soát được khi nhiều quốc gia đang mắc trở lại. Một số quốc gia như Thái Lan đang xuất hiện đợt bùng phát dịch mới, từ các ổ dịch ở Bangkok lan ra nhiều tỉnh. Tại Campuchia, dịch cũng hết sức phức tạp với hơn 4.300 ca mắc, đặc biệt trong những tuần gần đây số ca mắc tăng đột biến.
Việt Nam đến nay đã qua 21 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng; tuy nhiên, không thể lơ là nguy cơ những trường hợp nhập cảnh trái phép, khiến cho nguy cơ bùng phát luôn thường trực. Ông Tấn cũng lưu ý, vấn đề lưu tâm hiện nay là tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng, tình trạng nhập cảnh trái phép, quản lý không tốt người nhập cảnh hợp pháp; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên, chưa thực chất…
Do đó cần hết sức chú trọng hoạt động giám sát kiểm soát dịch, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, truy vết thần tốc khẩn trương, kịp thời cách ly, giám sát cách ly, thực hiện xét nghiệm, hạn chế tối đa lây lan. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần quản lý cách ly chặt chẽ, rà soát tiêu chí khu cách ly, thời gian cách ly, và thực hiện xét nghiệm. Ngay cả với các đối tượng được cấp phép nhập cảnh cũng cần rà soát, thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiêm vaccine COVID-19: Việt Nam đảm bảo an toàn trên mức yêu cầu
Bộ trưởng cho biết, 817.200 liều vắc xin AstraZeneca nhận từ Covax hiện đã được Bộ Y tế phân bổ tới 28 địa phương. Bộ Y tế yêu cầu tất cả các tỉnh lập kế hoạch tiêm chủng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 và kết thúc tiêm chủng trước ngày 5/5, thay vì ngày 15/5 như dự kiến ban đầu.
“Vaccine của Covax hết hạn vào ngày 30/5 nên yêu cầu các địa phương phải triển khai thật tốt, thật nhanh, không được phép để bất kỳ liều vaccine nào phải hủy bỏ vì lý do không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không tiêm sẽ thu hồi vaccine, thông báo rộng rãi. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp hôm qua”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Long cũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng kế hoạch. Cả nước đã tiêm được gần 75.000 người, song chỉ có 33% có phản ứng thông thường sau tiêm, hầu hết là đau, nóng đỏ, ngứa tại vị trí tiêm, một số trường hợp sốt nhẹ, tuy nhiên đều hết sau 1-2 ngày. Đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào có huyết khối sau tiêm vắc xin AstraZeneca. Tỉ lệ phản ứng quá mức sau tiêm chỉ ở mức 1%, cả 5 ca đều đã bình phục sau khi được xử trí đúng phác đồ.
“Tỉ lệ phản ứng sau tiêm tại Việt Nam như vậy là thấp hơn các nước”, Bộ trưởng Long khẳng định. Theo Bộ Y tế, lý do khiến tỉ lệ phản ứng sau tiêm tại Việt Nam thấp do luôn có quán triệt tiêm đến đâu an toàn đến đó, quy định khám sàng lọc, đối tượng trì hoãn tiêm, chống chỉ định tiêm mở rộng hơn các nước, người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và tiếp tục theo dõi sau 24 giờ.
Trong ngày 15/4, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp tất cả giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực, đặc biệt trong điều trị để hỗ trợ các địa phương xử lý các trường hợp quá mẫn sau tiêm chủng, kể cả ca bệnh có huyết khối. Các chuyên gia sẽ hội chẩn, hỗ trợ tuyến với hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa trên cả nước.
Việt Nam đặt tiêu chí an toàn tiêm chủng ở mức độ rất cao và cao hơn yêu cầu. Có nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chưa đến mức nặng nhưng vẫn xử lý như trường hợp nặng. Bộ Y tế đồng ý phương án nâng cao yêu cầu đảm bảo an toàn hơn một mức so với khuyến cáo chung của quốc tế và WHO.
Mời quý độc giả theo dõi video: Thông điệp 5K phòng chống COVID-19