Người già có nguy cơ thiếu vitamin D cao do da kém hiệu quả trong việc sản xuất vitamin D, đồng thời lại không thường xuyên có mặt ở ngoài trời. Tuy nhiên, bổ sung vitamin D thế nào thì không phải người già nào cũng biết. Nhiều người cho rằng, chỉ cần "tắm nắng" là đủ, người khác lại bổ sung quá nhiều vitamin D dẫn đến dư thừa gây ngộ độc.
Ngộ độc vì thừa
Ngay cả là mùa đông, chỉ cần trời hửng nắng là sáng nào bà Trần Minh Ngọc (khu đô thị mới, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng rủ mấy "bạn già" hàng xóm ra công viên Cầu Giấy đi dạo và tắm nắng để bổ sung vitamin D. Thậm chí để hấp thụ được nhiều vitamin D bà còn vén áo để ánh nắng chiếu trực tiếp vào da. Đặc biệt, để đảm bảo cơ thể không thiếu hụt vitamin D, bà Ngọc còn bổ sung thêm một số sản phẩm chứa vitamin D. Tuy nhiên, sau đó bà bị buồn nôn, nôn mửa và thấy cơ thể mệt mỏi.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cho biết: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi cần thiết để tạo sức mạnh của xương, đồng thời giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật. Ngoài ra, vitamin D cũng rất quan trọng đối với chức năng thần kinh của cơ thể... Theo các nghiên cứu thì người cao tuổi có nguy cơ bị thiếu vitamin D cao bởi cơ thể họ không sản xuất hiệu quả loại vitamin này và người già thường dành nhiều thời gian trong nhà. Đặc biệt, việc thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến tình trạng loãng xương, yếu cơ, gãy xương hông, tiểu đường, ung thư, bệnh tim, viêm khớp và sức khoẻ yếu kém ở người cao tuổi.
|
Bổ sung vitamin D đúng cách ở người già giúp tăng cường sức khỏe. |
Nghiên cứu của TS Y khoa Chris Iliades, chuyên gia cộng tác của Tạp chí Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ParentGiving (Mỹ) cũng chỉ ra những người trên 50 tuổi có nguy cơ gia tăng của tình trạng thiếu vitamin D và nguy cơ này tăng lên theo tuổi tác. Vitamin D cũng cần phải được kích hoạt trong thận trước khi nó được sử dụng bởi cơ thể và chức năng này cũng giảm dần theo tuổi tác. Ngoài ra, khi về già chúng ta mất một số khả năng để tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời (phải mất đến 30 phút tiếp xúc với ánh nắng hai lần một tuần mới có một lượng vừa đủ vitamin D từ ánh sáng mặt trời).
Như vậy, trong nhiều trường hợp việc bổ sung vitamin D chỉ thông qua cách "tắm nắng" là chưa đủ. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D không phải muốn bổ sung kiểu gì cũng được. Khi cơ thể dư thừa vitamin D sẽ dẫn đến ngộ độc như buồn nôn, nôn mửa và mất sức. Quá nhiều vitamin D có thể gây ra mức độ canxi tăng và dẫn đến sự lú lẫn về tinh thần và loạn nhịp tim.
Đúng ngưỡng để khoẻ
TS Y khoa Chris Iliades cho biết, nguồn vitamin D đến từ thực phẩm (dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá thu, cá ngừ, gan bò, pho mát và lòng đỏ trứng...); ánh sáng mặt trời (ánh sáng mặt trời giúp chuyển đổi cholesterol thành vitamin D trong cơ thể)...
Tuy nhiên, thông thường chúng ta chỉ nhận được một lượng nhỏ vitamin D từ chế độ ăn uống, còn phần lớn vitamin D được hấp thụ vào cơ thể khi da của chúng ta tiếp xúc với ánh nắng. Nhưng ở người già, do da kém hiệu quả hơn trong việc sản xuất vitamin D; hơn nữa, người lớn tuổi cũng không ở ngoài trời thường xuyên nên đặc biệt có nguy cơ bị thiếu vitamin D. Vì vậy, những người trên 65 tuổi được khuyến cáo nên bổ sung thêm vitamin D. Một lượng vừa đủ vitamin D khi 50 tuổi là 200 đơn vị IU cho cả nam giới và phụ nữ. Từ 50 - 70 tuổi, lượng vừa đủ hàng ngày là 400 IU. Sau 70 tuổi lượng vừa đủ là 600 IU.
TS Y khoa Chris Iliades khuyến cáo: Nếu lượng vitamin D từ việc "tắm nắng" chưa đủ, người già có thể bổ sung thêm, nhưng không quá nhiều. Việc bổ sung 400 IU mỗi ngày là phù hợp, hiệu quả cho việc giảm té ngã và gãy xương ở người cao tuổi. Khi bổ sung vitamin D tốt nhất nên có sự tham khảo của các bác sĩ có chuyên môn để tránh ngộ độc do thừa lượng vitammin này.
- Không phải tất cả người cao niên có nguy cơ như nhau. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn so với nam giới. Người có làn da sẫm màu hơn không sản xuất vitamin D từ ánh sáng mặt trời như người da trắng hơn.
- Ánh sáng mặt trời có thể không đủ, tùy theo vùng đất nơi bạn ở và tùy theo mùa có nhiều nắng hay không.
- Giới tính, tuổi tác, chế độ ăn uống, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và lịch sử y tế, tất cả cần phải được xem xét khi quyết định bổ sung vitamin D.
TS Y khoa Chris Iliades