|
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân gây viêm màng não mủ thường là do một số vi khuẩn như: Hemophilus influenza, não mô cầu và phế cầu, ở trẻ sơ sinh có thể gặp các vi khuẩn gram âm gây bệnh như E.coli, Klebsiella, Pseudomonas, trong đó đáng chú ý nhất là não mô cầu (Neisseria meningitis)... Các loại vi khuẩn xâm nhập vào màng não có thể qua đường máu và đường tiếp cận do các ổ mủ ở gần màng não như áp xe não, viêm xương chũn, viêm xoang...
Khi bị viêm màng não mủ, trẻ có các biểu hiện như: sốt cao (39 - 40 độ C), co giật toàn thân và nôn. Ở bệnh nhi dưới 1 tuổi thì bệnh thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện bỏ bú, khóc thét, ngủ li bì, dấu hiệu "cổ mềm", suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết. Trong một số trường hợp, dấu hiệu của bệnh xuất hiện từ từ như biếng ăn, sốt vừa, nhiệt độ 38 độ C, nôn, đi ngoài phân lỏng...
Bệnh nhi thường sợ ánh sáng nên hay nằm quay mặt vào tường. Có thể xuất hiện ban xuất huyết ngoài da, đặc điểm của ban xuất huyết do não mô cầu là có kích thước to nhỏ khác nhau, đôi khi có kèm theo hoại tử. Xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng cao, trong đó bạch cầu trung tính chiếm ưu thế. Dịch não tuỷ thường thấy áp lực tăng, nước đục dạng ám khói, hoặc đục như mủ. Số lượng bạch cầu trên 500/ml, trong đó bạch cầu trung tính chiếm ưu thế. Protein tăng trên 1g/lít, glucose giảm dưới 2,2mmol/lít.
Ở thể bệnh nặng, não mô cầu sẽ đi vào máu, vào đường bạch huyết và gây nên những triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn huyết. Đối với các trường hợp phát hiện bệnh muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và khi điều trị khỏi có thể để lại nhiều di chứng nặng nề.
Do đó, khi thấy trẻ nhỏ sốt kèm theo nôn, co giật, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Trường hợp tiến triển tốt, sau 5 - 7 ngày điều trị thì bệnh có thể khỏi mà không để lại di chứng. Trường hợp bệnh kéo dài do nhiễm phế cầu thường để lại di chứng, trẻ có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.