Biến chứng nguy hiểm khi gãy thân xương cánh tay

Google News

(Kiến Thức) - Gãy thân xương cánh tay xảy ra có thể do chấn thương trực tiếp khi vật cứng đập vào làm gãy xương hoặc khi ngã chống tay xuống đất. Bệnh nhân nếu không được cứu chữa kịp thời có khả năng mắc nhiều biến chứng.

Bầm tím muộn sau 24 giờ
Xương cánh tay không phải chịu lực tỳ nén do đó, khi bị gãy thường có di lệch giãn cách do trọng lượng chi. Gãy xương cánh tay thường có triệu chứng tại chỗ, chi biến dạng tùy vào vị trí gãy, cánh tay sưng nề, bầm tím muộn sau 24 giờ, có điểm đau chói và có thể thấy cử động bất thường và tiếng lạo xạo xương tại ổ gãy. Bệnh nhân không nâng và giang cánh tay được khi gãy xương hoàn toàn, còn có thể vận động cánh tay chút ít khi gãy xương không hoàn toàn. Nếu liệt dây thần kinh quay thì không duỗi được cổ tay, không duỗi được đốt 1 các ngón tay, không giang, duỗi được ngón 1, mất cảm giác nửa ngoài mu tay.
Gãy thân xương cánh tay có thể gặp ở 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới, có thể gãy ngang, chéo xoắn, gãy nhiều đoạn, nhiều mảnh. Nếu gãy 1/3 giữa thân xương cánh tay thì 2 đoạn xương gãy thường ít di lệch do các cơ tam đầu và cơ cánh tay trước bọc quanh xương, nhưng gãy có di lệch thì hay bị cơ chèn vào giữa 2 đầu xương gãy, đoạn gãy trên bị cơ delta kéo ra trước, đoạn gãy dưới bị cơ nhị đầu, tam đầu kéo lên trên. 
Nếu gãy 1/3 dưới thân xương cánh tay thì đoạn gãy trên hầu như không di lệch, đoạn gãy dưới bị các cơ nhị đầu, cánh tay trước, tam đầu, cánh tay - quay co kéo làm di lệch chồng gây ngắn chi. Khi gãy 1/3 dưới thấp sưng nề to và di lệch nhiều có thể gây đè ép hoặc thương tổn bó mạch cánh tay dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, co cứng do thiếu máu làm hạn chế vận động hoặc cứng khớp khuỷu.
Những trường hợp gãy xương cánh tay di lệch nhiều cần phẫu thuật. 
Các biến chứng có thể gặp
Gãy xương cánh tay có thể gặp biến chứng sớm là liệt dây thần kinh quay, thương tổn động mạch cánh tay, chèn cơ vào giữa 2 đầu xương gãy cản trở nắn chỉnh ổ gãy hoặc biến chứng muộn do can xương xù to, sẹo phần mềm xơ cứng đè ép vào dây thần kinh quay, chậm liền xương, khớp giả, liền xương xấu, gập góc, chồng, xoay, lệch sang bên, hạn chế vận động khuỷu và vai...
Khi gãy xương cánh tay cần điều trị sơ cứu tại các trung tâm y tế bằng việc gảm đau, tê tại chỗ gãy hoặc dùng giảm đau toàn thân, cố định tạm thời bằng nẹp tre ôm giữ cánh tay rồi chuyển tới bệnh viện chuyên khoa để được xử lý kịp thời. Tại bệnh viện chuyên khoa, các bác sĩ sẽ nắn các di lệch và bó bột ngực - cánh tay giạng. 
Những trường hợp gãy xương cánh tay di lệch nhiều nắn chỉnh không đạt, gãy xương hở, gãy xương kết hợp thương tổn mạch máu, dây thần kinh quay thì điều trị phẫu thuật. Đường mổ thường dùng đường trước ngoài theo bờ ngoài cơ nhị đầu hoặc sau ngoài qua cơ tam đầu cánh tay, xếp đặt các đoạn và mảnh xương gãy khớp vào nhau rồi cố định bằng phương pháp kết xương kim loại phù hợp. 
Sau phẫu thuật, ngay từ đầu bệnh nhân sẽ tập co cơ tĩnh, lên gân các cơ trong bột và tập vận động khớp không phải bất động. Sau khi tháo bột hoặc ngày thứ 3, thứ 5 sau phẫu thuật kết xương cho bệnh nhân tiến hành tập vận động phục hồi chức năng hệ thống cơ, gân khớp vai, khớp khuỷu...
PGS.TS Trần Đình Chiến (Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện 103)

Bình luận(1)

Minh Hiền

Lý thị hiền

Tôi bị ngã gãy xương Đài quay ở khuỷu tay phải có mảnh rời sau 20 ngày tôi đã mổ gắp mảnh rời ra sau 10 ngày tôi cất chỉ và vào viênk tập phục hồi chức năng hiên nay đã được 3 tháng mà tay tôi không ngửa hẳn bàn tay lên được mà co duỗi cũng bị hạn chế rất nhiều tôi lo lắng và rất là buồn .Vừa rồi tôi đi chụp Cộng hưởng từ thì lại phát hiện Bị Phù ĐẦU TRÊN XƯƠNG QUAY Và TRÀN DỊCH KHƠPd KHUỶU .Tôi đang rất tuyệt vọng xin hỏi Bác Sỹ chỉ giúp trường hợp như tôi có cách nào chữa khỏi được không ạ ? Xin cảm ơn BS