Theo tạp chí Military Parade, để cạnh tranh với tiêm kích Su-30MKI của Ấn Độ, Không quân Trung Quốc có thể xem xét thay thế hệ thống ngắm mục tiêu radar tích hợp RLPK-27VE bằng hệ thống radar mạng pha quét điện tử bị động tối tân.
Mặc dù Trung Quốc đã tỏ ra có khả năng chế tạo các phiên bản tiêm kích Nga của riêng mình, ví dụ như J-11B (sao chép cải tiến mẫu Su-27SK Nga), J-15 (sao chép mẫu Su-33) hay J-16 (sao chép Su-30MK), nhưng các chuyên gia phương Tây vẫn đặt nhiều câu hỏi về chất lượng các máy bay Trung Quốc thực sự có tương đương với bản gốc Nga. Đây là lý do giải thích tại sao Trung Quốc vẫn phải mua tiêm kích thế hệ 4+ Su-35S của Nga, mặc dù nước này đã có thể thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ 5.
|
Dù đã chế tạo được tiêm kích nội địa nhưng Su-30MKK vẫn được coi là mẫu tiêm kích tốt nhất, mạnh nhất Trung Quốc.
|
Trung Quốc hiện vẫn không thể thiết kế, sản xuất động cơ và hệ thống radar tiên tiến. Ấn Độ - một trong những đối thủ lớn của Trung Quốc đã nhập khẩu những chiếc Su-30MKI trang bị hệ thống radar quét mạng pha điện tử bị động cực mạnh Bars-E và mua được giấy phép sản xuất động cơ tích hợp kiểm soát véc tơ lực đẩy AL-31FP từ Nga.
Với khả năng theo dõi mục tiêu ở tâm xa đến 200km, Su-30MKI có thể dễ dàng đánh bại các mẫu tiêm kích Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm tàng.
“Chỉ với hệ thống ngắm mục tiêu radar tích hợp RLPK-27VE, Su-30MKK của Trung Quốc không thể phóng tên lửa không đối không tầm siêu xa KS-172 của Nga”, Khán Hòa cho biết. Đây là lý do tại sao Trung Quốc xem xét việc nâng cấp Su-30MKK với radar quét mạng pha điện tử bị động.