Vì chỉ máy bay chiến đấu đa năng Su-27SM3, chứ không phải máy bay đánh chặn Su-27P, mới đủ sức làm “đối trọng” với các chiến đấu cơ NATO ở Trung và Đông Âu. Thông tin trên được tờ báo Nga Belvpo dẫn lời Tư lệnh Không quân Nga Trung tướng Viktor Bondarev xác nhận.
Theo đó, trung đoàn chiến đấu cơ Su-27SM3 (một loại chiến đấu cơ đa năng chứ không phải là máy bay đánh chặn Su-27P đang hiện diện ở Belarus) của Nga sẽ được triển khai tại sân bay Baranovichi, Belarus vào cuối năm 2014. Như vậy mốc thời gian này sẽ là sớm hơn 1 năm so với kế hoạch được công bố trong tháng 4/2013 của không quân Nga.
|
Su-27SM3 của Nga. Ảnh: Airplane |
Động thái này của chính quyền Moscow diễn ra trong lúc các nước phương Tây dưới vỏ bọc ứng phó với tình hình quân sự-chính trị phức tạp ở Ukraine đã liên tiếp điều động các chiến đấu cơ tới các nước Trung và Đông Âu. Hành động này của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo tờ báo Nga Belvpo nhận định, sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh không chỉ cho Nga và Belarus mà còn cho cả Ba Lan và các nước Baltic.
Bắt đầu từ ngày 1/5, NATO không ngừng ý định tuyên bố tăng sự hiện diện quân sự của mình ở Trung và Đông Âu, tăng gấp 3 lần số máy bay chiến đấu nhằm tạo sự ảnh hưởng ở vùng Baltic. Trong đó, vào đầu tháng 4, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, NATO sẽ thực hiện thêm các biện pháp để bảo vệ các nước đồng minh bị ảnh hưởng trong xung đột Nga và Ukraine. Sau đó NATO đã điều 12 máy bay từ không quân Ba Lan, Anh và Đan Mạch tuần tra trên không phận các nước Estonia, Latvia và Lithuania. Được biết, trước thời điểm này NATO chỉ 4 chiếc máy bay luân phiên làm nhiệm vụ tại đây.
Bằng cách này, NATO đã lần đầu tiên gia tăng sự hiện diện quân sự trong các nước Baltic trong 10 năm qua và được giải thích là do nguyên nhân sự leo thang của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong số 12 máy bay trên, Ba Lan điều 4 chiếc MiG-29, Anh điều 4 chiến đấu cơ đa năng Typhoon, Đan Mạch điều 4 chiếc tiêm kích F-16. Máy bay của Ba Lan và Anh đóng tại sân bay Zokniai (Lithuania) còn máy bay của Đan Mạch đóng tại sân bay Amari (Estonia).
|
Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Ảnh: Wikipedia |
Gần đây Ba Lan còn yêu cầu Mỹ tăng số chiến đấu cơ F-15C từ 3 chiếc lên 6 chiếc đóng tại Ba Lan. Ngoài ra, cũng không có thông tin F-15 của Mỹ đã rời lãnh thổ Lithuania. Bên cạnh đó, NATO còn điều 22 máy bay chiến đấu khác gồm 12 chiếc F-16 từ Mỹ, 4 chiếc Rafale từ Pháp và 6 chiếc CF-18 của Canada. Tờ Belvpo cho rằng, nếu tính toán cơ học thì ở bên cạnh biên giới Belarus và Nga đã tập trung một phi đội chiến đấu cơ của nước ngoài lên tới 34 chiếc.
Về phía Nga, gần đây nước này đã điều trước 10 chiếc Su-27P tới sân bay Bobruisk và Baranovichi của Belarus để tăng cường bảo vệ không phận của Liên bang Nga. Nếu tính toán về số lượng thì một sự thật hiển nhiên con số 34 chiếc có ưu thế hàng không gấp 3 lần so với 10 chiếc. Trong khi đó các máy bay Su-27P là loại tiêm kích đánh chặn còn các loại F-16, CF-18 và Typhoon lại là những chiến đấu cơ có nhiệm vụ thực hiện các cuộc không kích với đầu đạn hạt nhân. Cho nên việc thành lập trung đoàn Su-27SM3 được xem là một nhiệm vụ cần thiết của Nga.
Được biết, chiến đấu cơ đa năng Su-27SM3 là một phiên bản phát triển hơn nữa của máy bay đánh chặn Su-27P. Dựa trên người tiền nhiệm, chiến đấu cơ mới được gia cố khung máy bay, động cơ đẩy cao hơn cùng một loạt các thiết bị và vũ khí mới. Sự khác biệt chính giữa Su- 27SM3 và Su-27 đánh chặn ở chỗ, Su-27SM3 có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề sử dụng vũ khí chính xác có điều khiển bao gồm cả vệ tinh dẫn đường. Nó có hiệu quả hơn Su-27P gấp 2 lần trong tiêu diệt mục tiêu trên không và gấp 3 lần trong các mục tiêu dưới đất.
Su-27SM3 có thông số chính: tốc độ tối đa 2.500 km/h, phạm vi tác chiến trên không 3680 km. Chiến đấu cơ được trang bị vũ khí chính gồm: súng 30mm GSH-301, kèm theo 6000 kg vũ khí gồm 6 tên lửa điều khiển đối không tầm trung và 4 tên lửa đối đất tầm ngắn, cùng các loại bom điều khiển và không điều khiển.