Theo tạp chí National Interest, Ấn Độ có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào sâu bên trong quốc gia đối địch bằng biến thể nâng cấp tiêm kích đa năng Su-30MKI của nước này.
Không quân Ấn Độ đã cho nâng cấp khoảng 42 chiếc Su-30MKI để có thể mang theo các tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Trong khi đó Không quân Ấn Độ đang sở hữu hơn 200 chiếc Su-30MKI và có kế hoạch tăng con số này lên hơn 280 chiếc trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 hoặc xa hơn.
BrahMos là mẫu tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới hiện nay với tốc độ di chuyển gấp 3 lần vận tốc âm thanh, nó được Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển với nhiều biến thể khác nhau.
|
Sự kết hợp giữa BrahMos và Su-30MKI liệu có giúp Ấn Độ tăng cường khả năng răn đe hạt nhân ?
|
Các biến thể tên lửa hành trình BrahMos trên hạm và trên mặt đất đã được Ấn Độ đưa vào trang bị trong thời gian gần đây, tuy nhiên việc phát triển biến thể BrahMos được triển khai từ trên không chỉ mới được Ấn Độ hoàn tất trong năm ngoái. Theo đó, việc kết hợp sức mạnh giữa BrahMos và Su-30MKI sẽ mở ra khả năng răn đe hạt nhân mới cho Ấn Độ và giúp nước này hoàn thiện bộ ba răn đe hạt nhân hiện tại.
Các tính năng kỹ chiến thuật của Su-30MKI sẽ giúp tạo thêm sức mạnh cho BrahMos cũng như hỗ trợ cho loại tên lửa này có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương. Hoặc giúp phi công Su-30MKI có thể tấn công chính xác mục tiêu từ xa. Điều này đồng nghĩa với việc Ấn Độ có khả năng thực hiện một đòn tấn công chí mạng bằng vũ khí hạt nhân vào quốc gia đối địch
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V với tầm bắn 5.000km có khả năng vươn tới bất cứ vùng lãnh thổ nào của Trung Quốc với khả năng tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.