Tờ Defensenews đưa tin, Quân đội Ấn Độ đang lên kế hoạch mua sắm các hệ thống pháo phòng không mới do nước này tự sản xuất.
New Delhi đã triển khai chương trình thay thế hệ pháo phòng không lạc hậu của nước này từ 2007, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhà thầu nước ngoài nào đáp ứng được nhu cầu của Quân đội Ấn Độ.
Chương trình dự thầu trên sẽ vừa được mở cho các công ty nội địa của Ấn Độ và lẫn các công ty liên doanh Ấn Độ với nước ngoài. Yêu cầu này cho thấy Quân đội Ấn Độ cũng muốn tạo thêm cơ hội tham gia cho các nhà thầu quốc tế. Tất nhiên các công ty liên doanh nếu trúng thầu, thì 50% các chi tiết của một hệ thống pháo phòng không phải được sản xuất ở Ấn Độ.
|
Một hệ pháo phòng không L70 đã được Quân đội Ấn Độ cải tiến và nâng cấp.
|
Bộ quốc phòng Ấn Độ đã thông báo mời thầu đến cho các công ty quốc phòng nội địa của nước này trong đó bao gồm: Tata Power SED, Larsen & Toubro, Punj Lloyd, Bharat Forge, Công ty quốc doanh OFB và công ty Bharat Earth Movers. Dự kiến giá trị của gói thầu trên là 1,7 tỷ USD và Bộ quốc phòng sẽ tiến hành lựa chọn cũng như đánh giá để tìm ra được các nhà thầu tiềm năng.
Trước đó, gói thầu quốc tế mua 428 hệ thống pháo phòng không vào năm 2007 và 2009 đều bị hủy bỏ, do không tìm đủ số nhà thầu cần thiết để tham gia dự thầu. Vào năm 2007 chỉ có mình công ty Rheinmetall hợp tác với OFB và năm 2009 là công ty Rosoboronexport của Nga.
Ông Rahul Bhonsle - Thiếu tướng Quân đội Ấn Độ đã về hưu cho biết, việc không tìm ra được nhà thầu thích hợp luôn là vấn đề quen thuộc với Bộ quốc phòng Ấn Độ. Một phần trong đó là do thiếu tầm nhìn, tổ chức, lên kế hoạch yếu kém và sự vô trách nhiệm của bộ quốc phòng nước này khi để cho tình trạng thiếu trang bị cũng như lạc hậu diễn ra trong lực lượng phòng không Ấn Độ trong suốt một thời gian dài.
|
Hệ thống pháo phòng không tự động MANTIS 35mm do hãng Rheinmetall Air Defence chế tạo.
|
Ngoài ra theo ông Rajinder Bhatia - Giám đốc điều hành của công ty Bharat Forge cho biết, việc các công ty quốc phòng nước ngoài chi hoa hồng mạnh tay cho các quan chức trong bộ quốc phòng cũng là một vấn đề lớn cần được giải quyết.
Hiện tại Rheinmetall Air Defence là hãng sở hữu các công nghệ tiên tiến nhất dành cho các hệ thống pháo phòng không và được nhiều nước sử dụng, nhưng vấn đề ở đây là hãng này bị cấm tham gia các gói dự thầu quốc phòng ở Ấn Độ do các vụ bê bối về hối lộ.
Một quan chức thuộc Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết, các công ty quốc phòng trong nước sẽ cần phải hợp tác với công ty nước ngoài để tiến hành dự thầu vì cơ bản các doanh nghiệp Ấn Độ không có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo vũ khí.
Bước đi mà Ấn Độ cần lúc này là việc nhanh chóng trang bị cho lực lượng phòng không yếu kém của mình các hệ thống phòng không mới. Mà việc này chỉ có thể được giải quyết bằng các hợp đồng mua sắm với các công ty nước ngoài hơn là với các doanh nghiệp trong nước. Khi các công ty nội địa hầu như chưa có gì trong tay và việc nghiên cứu, chế tạo sẽ là một khoảng thời gian khá dài.
|
Các công ty Ấn Độ không đủ sức để có thể đáp ứng các yêu cầu mà Quân đội nước này đặt ra cho một pháo phòng không thế hệ mới.
|
Quân đội Ấn Độ đòi hỏi các hệ thống phòng không mới phải sử dụng cỡ đạn lớn 30mm và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không trong bất kỳ thời tiết nào, ngày cũng như đêm và phải được trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực cùng hệ thống quan sát hình ảnh riêng biệt trên không.
Lực lượng vũ trang Ấn Độ đang sở hữu khoảng 1.200 khẩu pháo phòng L-70 mua từ Thụy Điển từ những năm 1960. Pháo phòng không L70 sử dụng đạn 40mm, có tốc độ bắn 330 viên/phút với tầm bắn hiệu quả là 12.500m.