The Aviationist đưa tin, Không quân Thụy Điển đã lên tiếng cáo buộc các tiêm kích Su-27 của Nga đã thực hiện hành vi nguy hiểm khi tiếp cận quá gần máy bay trinh sát Gulfstream S102B Korpen của họ trên biển Baltic.
Loại máy bay này được phát triển dựa trên máy bay vận tải hành khách hạng nhẹ do hãng Gulfstream của Mỹ sản xuất. Các máy bay này được trang bị hệ thống cảm biến nghe trộm để thực hiện nhiệm vụ giám sát ở biển Baltic.
Không quân Thụy Điển cho biết, các máy bay của họ thực hiện nhiệm vụ trên không phận quốc tế. Họ mở bộ thu phát và thường xuyên liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu dân sự có liên quan trong nước và cả nước ngoài nếu cần thiết về vị trí của hoạt động của họ.
|
Một chiếc tiêm kích Su-27 của Nga mang theo 6 tên lửa không đối không tiếp cận máy bay Gulfstream của Thụy Điển ở khoảng cách chỉ 10,7 mét.
|
Tuy nhiên, hãng tin SvD Nyheter, Thụy Điển nói rằng, các máy bay gián điệp của Thụy Điển luôn luôn bị chặn bởi các máy bay chiến đấu phản ứng nhanh của Không quân Nga tại căn cứ ở Kaliningrad. Hầu hết các cuộc gặp gỡ diễn ra khá bình thường trên không phận quốc tế và nó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua.
Một quan chức của Thụy Điển đã trao đổi với SvD Nyheter rằng, hành vi ngăn chặn của các tiêm kích Su-27 đối với máy bay Gulfstream S102B Korpen là ngày càng trở nên hung hăng. Sự cố nguy hiểm nhất diễn ra vào ngày 16/7/2014 trên khu vực giữa Gotland và Latvia, một chiếc tiêm kích Su-27 mang theo 6 tên lửa không đối không đã ngăn chặn một máy bay Gulfstream S102B Korpen của Thụy Điển. Chiếc Su-27 tiếp cận đến máy bay của Thụy Điển với khoảng cách chỉ 10,7 mét.
Đây là khoảng cách rất nguy hiểm và dễ xảy ra va chạm, đó là một vụ việc nguy hiểm mà quân đội Thụy Điển chưa từng thấy trong những năm trước đó. Trong khi đó, thủ tục quốc tế khuyến cao phạm vi ngăn chặn không giao tranh không được tiếp cận gần hơn từ khoảng cách 50-150 mét.
|
Việc điều động máy bay ngăn chặn các hoạt động do thám của đối phương là điều diễn ra thường xuyên giữa Nga và các nước phương Tây. Trong ảnh một chiếc tiêm kích EF-2000 Typhoon đang ngăn chặn 2 chiếc Su-27 của Nga.
|
Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên các tiêm kích Su-27 của Nga tiếp cận máy bay nước ngoài ở khoảng cách nguy hiểm. Ngày 10/4/2012, một chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound của Nga đã chơi trò “mèo vờn chuột” với máy bay tuần tra P-3C Orion của Không quân Na Uy trên biển Barent.
Chiếc MiG-31 lượn 2 vòng quanh chiếc P-3C ở khoảng cách an toàn rồi đột nhiên biến mất, ít phút sau chiếc tiêm kích nhanh nhất thế giới bất ngờ lao từ sau đến với tốc độ rất cao và suýt nữa có nguy cơ tạo ra một vụ va chạm trên không.
Ngày 23/4/2014 một máy bay trinh sát RC-135U của Không quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ giám sát trên vùng biển Okhotsk, phía bắc Nhật Bản cũng bị ngăn chặn bởi tiêm kích Su-27 của Nga. Chiếc Su-27 đã tiếp cận máy bay Mỹ ở khoảng cách chỉ 30,4 mét.
Ngày 18/7/2014, một chiếc trinh sát RC-135 của Mỹ cũng phải bay qua không phận Thụy Điển để thoát khỏi sự đeo bám của tiêm kích Nga. Mặc dù các vụ việc ngăn chặn không xảy ra va chạm nhưng hành động của Su-27 đã khiến Không quân Thụy Điển lo lắng.
Ít nhất một lần Su-27 đã va chạm với máy bay nước ngoài do tiếp cận quá gần. Ngày 13/9/1987, một chiếc Su-27 của Liên Xô đã va chạm với một chiếc P-3B của Na Uy trên biển Barent. Không quân Thụy Điển cho rằng, mặc dù hai máy bay đã hạ cánh an toàn nhưng hành động tương tự là rất nguy hiểm.