Arms Expo dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga, cho hay cơ quan này dự định mua sắm 50 máy bay ném bom Tu-160M2. Quá trình sản xuất được lên kế hoạch trong giai đoạn 2020-2021. Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Yuri Borisov nói với Ria Novosti rằng:
“Công việc trên Tu-160M2 là cả một quá trình phức tạp từ thiết kế, sản xuất. Máy bay được cải tiến nhiều mặt với động cơ mới có lực đẩy mạnh hơn, phạm vi xa hơn”. Ông Borisov cho biết thêm, số lượng mua có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào công việc phát triển máy bay ném bom tàng hình PAK DA nhưng con số cơ bản là 50 chiếc.
Hiện tại, nhà sản xuất đang gấp rút hoàn thiện tài liệu kỹ thuật cho việc sản xuất loạt Tu-160M2 và dự kiến hoàn thành trong tháng 10 này. Mẫu thử nghiệm Tu-160M2 dự kiến sẽ cất cánh trong năm 2018 hoặc 2019, quá trình sản xuất loạt sẽ bắt đầu trong năm 2020 hoặc 2021.
Việc Nga phát triển phiên bản Tu-160M2 là do chương trình máy bay ném bom chiến lược tàng hình PAK DA kéo dài hơn so với dự kiến. Tu-160M2 là bước đệm cần thiết để đảm bảo duy trì năng lực răn đe hạt nhân của Nga trong lúc chờ đợi dự án mới.
|
Thiên Nga trắng Tu-160, cỗ máy răn đe hạt nhân đáng gờm của Nga. Ảnh; Sputnik |
Tu-160M2 là phiên bản nâng cấp gần như toàn diện từ Tu-160. Mặc dù Tu-160M2 ít nhiều vẫn sử dụng khung máy bay cũ, nó sẽ là một mẫu máy bay hoàn toàn mới với các hệ thống điện tử hàng không hiện đại và động cơ Kuznetsov NK-32 nâng cấp.
Cụ thể Công ty Điện tử Kret đã phát triển hệ thống máy tính và hệ thống điều khiển mới cho phiên bản Tu-160M2. Hệ thống điện tử mới hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số đem lại hiệu suất tối ưu hơn. Tu-160M2 sẽ được trang bị một hệ thống định vị vũ trụ ANS-2009 mới có khả năng xác định được vị trí và tốc độ của máy bay với độ chính xác cực kì cao.
Công nghệ này cho phép xác định vị trí máy bay thông qua các ngôi sao bên ngoài vũ trụ mà không phụ thuộc vào các vệ tinh nhân tạo. Trong thực chiến, các vệ tinh nhân tạo có thể bị đối phương chiếm quyền, hoặc bắn hạ nên công nghệ mới có thể tạo ra bước đột phá.
Chiến thuật khai thác Tu-160M2 của Nga là dựa vào tốc độ nhanh gấp 2 lần vận tốc âm thanh để lao đến mục tiêu và phóng tên lửa hành trình. Do đó, tính năng tàng hình sẽ không được chú trọng ở phiên bản mới. Quá trình hiện đại hóa Tu-160 với phiên bản mới nhằm giúp máy bay có thể trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-101 và Kh-102.
Tên lửa Kh-101 và Kh-102 là loại tên lửa được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của đối phương cho phép tiêu diệt mục tiêu từ xa. Cả hai loại tên lửa này có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân với tầm bắn lên đến 2.900km và đã từng xuất hiện tại Syria.