Tạp chí Jane’s Defence Weekly dẫn lời một quan chức cấp cao của Tập đoàn sản xuất máy bay Thống Nhất Nga (UAC) cho biết, các vụ tai nạn có liên quan đến tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ gần đây đều xuất phát do lỗi của con người.
Thông tin này được đích thân Vitaly Borodich - Phó Chủ tịch phụ trách các dự án hợp tác kỹ thuật quân sự của Tổng công ty hàng không Irkut - thành viên của Tập đoàn sản xuất máy bay Thống Nhất công bố tại triển lãm hàng không vũ trụ Aero India 2015 vào hôm 19/2 tại Ấn Độ.
Theo ông này, không có bất cứ lỗi kỹ thuật nào xuất phát từ hệ thống ghế phóng trên Su-30MKI trong khi đó yếu tố con người lại tác động rất lớn đến nguyên nhân xảy ra tai nạn.
|
Hiện trường vụ tai nạn Su-30MKI vào hôm 14/10 năm ngoái.
|
Sau vụ tai nạn vào hôm 14/10 năm ngoái, Không quân Ấn Độ (IAF) đã đình chỉ hoạt động toàn bộ phi đội tiêm kích Su-30MKI của nước này để điều tra nguyên nhân. Mặc dù cả hai phi công trên chiếc Su-30MKI gặp nạn đã may mắn thoát ra ngoài trước khi máy bay rơi xuống đất. Nhưng đây là vụ tai nạn thứ ba của Su-30MKI có liên quan đến hệ thống ghế phóng khẩn cấp.
Trước đó vào năm 2008 một phi công Ấn Độ đã thiệt mạng khi ghế phóng khẩn cấp của một chiếc Su-30MKI được kích hoạt khi nó đang chuẩn bị cất cánh.
Tiêm kích Su-30MKI của IAF được trang bị hệ thống ghế phóng khẩn cấp K-36DM do Nga chế tạo và theo miêu tả của ông Borodich thì K-36DM đều vượt qua được 100% các bài kiểm tra cấp nhà nước của Nga. Ông này còn cho rằng, IAF đã không tuân theo đúng các hướng dẫn bảo dưỡng định kỳ mà phía Nga cung cấp, tuy nhiên phía Nga vẫn sẽ làm mọi cách để không xảy ra các tai nạn tương tự trong tương lai.
Ông Vitaly Borodich còn nói, Irkut đang thảo luận vấn đề này với Không quân Ấn Độ cũng như lực lượng hỗ trợ kỹ thuật mặt đất của IAF. Bên cạnh đó, Không quân Ấn Độ còn chấp nhận kết quả điều tra từ phía Nga đưa ra về việc không hề xảy ra lỗi hệ thống ghế phóng khẩn cấp tự động kích hoạt.
|
Không quân Ấn Độ luôn gặp vấn đề về khả năng bảo dưỡng kỹ thuật của mình.
|
Trong khi đó trong một cuộc họp báo cùng ngày, Tư lệnh lực lượng Không quân Ấn Độ tướng Marshall Arup Raha lại cho biết rằng dù đã loại trừ khả năng xảy ra lỗi kỹ thuật của hệ thống ghế phóng khẩn cấp K-36DM nhưng lại phủ nhận các vụ tai nạn của tiêm kích Su-30MKI có liên quan đến lỗi con người.
Tướng Marshall Arup Raha còn cho hay, hiện vẫn chưa có bất cứ báo cáo kết quả điều tra chính thức nào do Không quân Ấn Độ thực hiện, mặc dù IAF xác nhận rằng không xảy ra bất cứ lỗi kỹ thuật nào nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các vụ tai nạn gần đây là do lỗi con người hoặc do lỗi của phi công.
Phía Ấn Độ vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chính xác cho vụ rơi máy bay tiêm kích đa năng Su-30MKI trong năm ngoái, do đó mọi lời khẳng định nào vào lúc này đều là quá sớm. Tuy nhiên trong quá khứ các hệ thống ghế phóng khẩn cấp của Nga được Không quân Ấn Độ sử dụng đều từng xảy ra lỗi kỹ thuật.