Theo tạp chí quốc phòng Jane’s, Quân đội Mỹ đang bắt đầu chương trình nâng cấp diện rộng đối với hàng nghìn tổ hợp tên lửa phòng không vác vai di động Stinger FIM-92E Block 1 của nước này. Được biết có khoảng 2.000 quả tên lửa Stinger sẽ được tiến hành nâng cấp tại một nhà máy sản xuất vũ khí thuộc căn cứ quân sự McAlester (MCAAP) của Quân đội Mỹ, tiểu bang Oklahoma.
Chương trình nâng cấp trên sẽ giúp các tên lửa Stinger kéo dài tuổi thọ hoạt động của mình, bên cạnh đó là việc thay thế các linh kiện đã bị lão hóa và hiện đại hóa nâng cấp phần cứng mới.
|
Kĩ thuật viên cải tiến thiết bị trên Stinger.
|
Căn cứ MCAAP là nơi phụ trách việc thử nghiệm các tên lửa phòng không vác vai Stinger của Quân đội Mỹ từ năm 2010. Trước đó đảm nhiệm vai trò trên là căn cứ Red River Munitions Center, tại Texarkana, Texas, nhưng căn cứ này đã bị chính phủ Mỹ đóng cửa vào năm 2005.
Các kỹ sư của MCAAP cũng đã tiến hành quá trình chuẩn bị nâng cấp Stinger trong khoảng thời gian khá dài, bên cạnh đó MCAAP còn làm việc với trung tâm phát triển hệ thống phòng thủ quốc gia của Mỹ tại Redstone Arsenal, Alabama, để đưa ra kế hoạch nâng cấp phù hợp trước khi tiến hành triển khai gói thầu nâng cấp trên.
Quá trình nâng cấp biển thể FIM-92E của Stinger bắt đầu vào năm 2005, với việc cập nhật phần mềm, hệ thống cảm biến và nâng cao khả năng nhận biết các mục tiêu nhất là các phương tiện bay không người lái, tên lửa hành trình,
máy bay trực thăng hạng nhẹ.
|
Stinger là một trong những mẫu tên lửa phòng không lâu đời nhất của Quân đội Mỹ hiện nay.
|
Các biến thể nâng cấp mới của Stinger FIM-92E cũng đang được xem xét trang bị các hệ thống dẫn đường đánh chặn mới (GMIA) có khả năng tái sử dụng sau mỗi lần bắn. Với thiết kế có thể dễ dàng tháo rời khỏi ống phóng và lắp ráp vào một ống phóng mang tên lửa Stinger mới, tương tự như với biến thể Stinger FIM-92J.
Stinger nâng cấp cũng được trang bị động cơ đẩy và đầu đạn có khả năng tự kích nổ khi đến gần mục tiêu. Tất cả các đầu đạn của tên lửa Stinger sử dụng hiện nay đều là đầu đạn phân mảnh. Với việc trang bị đầu đạn mới sẽ giúp Stinger có thể dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu có kích thước nhỏ hơn như UAV.
Sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp, mỗi quả tên lửa Stinger đều phải trải qua quá trình kiểm tra khả năng đánh chặn trên không, tiếp theo sau đó là kiểm tra tính ổn định trong quá trình hoạt động trước khi được bàn giao cho Quân đội Mỹ. Hiện tại, Lục quân Mỹ đang được trang bị tổng cộng 850 tên lửa Stinger và Lính thủy đánh bộ là 1.155 quả. Quá trình nâng cấp sẽ tiêu tốn ít nhất 11 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.